Sân cỏ không chấp nhận thứ bóng đá xấu xí, thiếu Fair Play

Bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 của Thái Lan vào lưới Việt Nam bị cộng đồng mạng thế giới chỉ trích là thứ bóng đá xấu xí.

29 năm qua, từ năm 1996 khi giải AFF Cup đầu tiên mang tên Tiger Cup khởi tranh, có thể nói trận chung kết tối 5-1 giữa Việt Nam và Thái Lan là trận đấu đầy cảm xúc.

 Tuấn Hải ăn mừng bàn thắng mở tỉ số 1-0 vào lưới Thái Lan. Ảnh Anh Thịnh.

Tuấn Hải ăn mừng bàn thắng mở tỉ số 1-0 vào lưới Thái Lan. Ảnh Anh Thịnh.

Đỉnh điểm của trận đấu là pha ghi bàn nâng tỉ số lên 2-1 của Supachok. Thời điểm trên, thủ môn Đình Triệu phát hiện Hoàng Đức bị chấn thương đang nằm sân nên phá bóng đi hết đường biên dọc để nhân viên y tế vào chăm sóc.

Trận đấu sau đó được tiếp tục, thay vì ném biên rồi trả bóng cho cầu thủ Việt Nam nhưng Supachok chơi thứ bóng đá xấu xí khi bất ngờ tung cú sút vào khung thành Việt Nam ghi bàn trước sự bất lực của thủ môn Đình Triệu và các hậu vệ Việt Nam cũng đứng sững lại bởi không ngờ xảy ra tình huống không fair play này.

Theo Luật Bóng đá, bàn thắng hợp lệ, trọng tài không cần check VAR mà chỉ tay vào chấm giao bóng giữa sân công nhận bàn thắng. Tuy nhiên với thứ bóng đá xấu xí và phản ứng của các cầu thủ Việt Nam, vị trọng tài đã phải bỏ ra 7 phút để giải quyết từ trong sân đến ngoài đường piste.

Thậm chí ông trọng tài đã rút thẻ vàng cảnh cáo một thành viên trong ban huấn luyện Thái Lan vì đã chơi dơ còn “cãi chày cãi cối” và đó cũng là cách làm dịu trận đấu của những người cầm còi có kinh nghiệm.

Từ lâu FIFA đã có 10 tiêu chí qui định về Fair Play đó là:

1. Thi đấu trung thực cao thượng

2. Thi đấu để giành chiến thắng nhưng chấp nhận thất bại trong danh dự

3. Tuân thủ Luật thi đấu

4. Tôn trọng đối phương, đồng đội, trọng tài, quan chức và khán giả

5. Đề cao những giá trị của bóng đá

6. Tôn vinh những người bảo vệ uy tín cho bóng đá

7. Loại trừ tiêu cực, lạm dụng thuốc, phân biệt chủng tộc, bạo lực, cá độ và những hiểm họa khác đối với bóng đá

8. Giúp đỡ người khác chống lại áp lực của tiêu cực

9. Tố giác những người muốn hủy hoại danh tiếng của môn bóng đá

10. Sử dụng bóng đá để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Tuy nhiên tối qua, người Thái đã làm điều ngược lại, khiến mới đầu năm 2025, FIFA và Ủy ban Fairplay quốc tế đã chứng kiến một pha bóng vô cùng xấu xí.

 Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng bàn thắng mở tỉ số vào lưới Thái Lan. Ảnh Anh Thịnh.

Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng bàn thắng mở tỉ số vào lưới Thái Lan. Ảnh Anh Thịnh.

Giải thưởng Fair Play do FIFA tổ chức lần đầu tiên vào năm 1987 và từ đó đến nay đã có biết bao nhiêu cầu thủ, liên đoàn bóng đá thậm chí khán giả được tôn vinh.

Năm 1988, Frank Ordenewitz (Đức) đoạt giải Fairplay khi thừa nhận mình đã chơi bóng bằng tay trong tình huống đá phạt trong môn bóng đá tại vòng chung kết Olympic Seoul 1988.

Năm 2001, Paolo Di Canio (Ý) đoạt giải bởi đã đưa bóng ra đường biên khi phát hiện thủ môn đối phương Paul Greeard bị chấn thương.

Năm 2010, Motevaselzadeh (Iran) đá bóng ra ngoài thay vì ghi bàn vào lưới trống khi phát hiện thủ môn đối phương bị thương và CLB Moghamvemat của Motevaselzadeh mất cơ hội thắng trận phải xuống hạng hay Liên đoàn bóng đá Mỹ và Iran gác lại mọi bất đồng chính trị để chơi một trận cầu đầy tinh thần hữu nghị tại vòng chung kết World Cup 1998 hoặc Gary Lineker (Anh) được trao giải vào năm 1990 khi suốt 15 năm chơi bóng nhà nghề nhưng chưa hề bị thẻ vàng, thẻ đỏ….

FIFA từng nhấn mạnh: “Chiến thắng sẽ không có giá trị nếu chiến thắng giành được nhờ vào sự thiếu trung thực và không cao thượng. Lừa dối thì dễ dàng nhưng không mang lại hạnh phúc. Thi đấu trung thực cao thượng đòi hỏi phải có bản lĩnh và sự dũng cảm. Làm được điều đó con người cũng cảm thấy mãn nguyện hơn. Thi đấu trung thực cao thượng luôn mang lại phần thưởng, cho dù bạn có thua trong trận đấu đó. Thi đấu trung thực cao thượng khiến bạn được tôn trọng, trong khi lừa dối chỉ mang lại sự nhục nhã. Hãy nhớ: đó chỉ là một trận đấu. Và những trận đấu sẽ chẳng có giá trị gì nếu không được chơi một cách trung thực”.

Năm 2011, Liên Đoàn bóng đá Nhật Bản từng đoạt giải Fairplay vì đã phải chịu đựng nhiều khó khăn sau trận động đất, nhiều người bị mất cuộc sống, cho thấy lòng can đảm tuyệt vời để sau đó giành World Cup 2011 bóng đá nữ.

 Bất kể thứ bóng đá xấu xí của đối phương, tuyển Việt Nam vẫn đăng quang ngôi vô địch với tổng tỉ số 5-3 trên đất Thái. Ảnh Anh Thịnh.

Bất kể thứ bóng đá xấu xí của đối phương, tuyển Việt Nam vẫn đăng quang ngôi vô địch với tổng tỉ số 5-3 trên đất Thái. Ảnh Anh Thịnh.

Nhật Bản nơi trận đấu đêm qua có tới 2 người quan trọng trong pha bóng đá xấu xí nói trên là HLV Thái Lan, người ca ngợi “bàn thắng đẹp” của Supachok và đặc biệt là tác giả Supachok, người đang chơi bóng đá ở Nhật. Liệu những người ở đất nước mặt trời mọc có tiêu hóa nổi khi hợp đồng với một cầu thủ đang thi đấu trên đất nước mình lại hành xử và mang theo hình ảnh của thứ bóng đá xấu xí không?

Trở lại trận đấu đêm qua khi những người chơi thứ bóng đá không Fair Play phải trả giá bằng một thẻ đỏ rồi bàn đá phản lưới nhà quân bình tỉ số 2-2. Và đặc biệt là cú đưa bóng vào lưới trống từ khoảng cách giữa sân của Hai Long giúp Việt Nam đăng quang ngôi vô địch với tỉ số chung cuộc 5-3 làm tô đậm thêm chiến thắng của Việt Nam.

Bất kể ở đâu, bóng đá xấu xí luôn bị chỉ trích, lên án và bóng đá Fair Play luôn lên ngôi và được tôn vinh là vậy!

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/san-co-khong-chap-nhan-thu-bong-da-xau-xi-thieu-fair-play-post828712.html