Sân khấu Hà Nội 2019: Làn gió mới từ đạo diễn 'ngoại'
Mấy năm gần đây, việc một đạo diễn người nước ngoài tham gia dàn dựng các vở diễn sân khấu bao gồm cả kịch hát truyền thống không còn là một 'hiện tượng lạ' nữa. Một đời sống sân khấu trẻ trung hơn, sôi động hơn và hội nhập hơn, mang hơi thở đương đại nhiều hơn là điều nhiều nghệ sĩ, những người quan tâm đến đời sống sân khấu đang hướng đến. Trong đó, việc làm mới sân khấu Việt với các đạo diễn người nước ngoài đang được kỳ vọng là một 'làn gió mới'...
“Làn gió mới” ở Nhà hát Tuổi trẻ
Cuối tháng 11, Nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn vở “Romeo và Juliet” - một vở kịch kinh điển của nhà viết kịch lỗi lạc Wiliam Shekespeare. Đây có lẽ là vở kịch được dàn dựng và biểu diễn nhiều nhất trên thế giới, với hàng ngàn nhà hát thuộc hầu khắp các quốc gia ở cả 5 châu lục. Ở Việt Nam, “Romeo và Juliet” từng được dàn dựng bởi nhiều đơn vị nghệ thuật, trong đó Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã từng dàn dựng vở diễn này vào năm 1982 gắn với tên tuổi cố NSND Anh Tú, NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung...
Và năm 2017, lúc đang giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú đã dàn dựng thành công vở “Romeo và Juliet” với sự góp mặt của một dàn diễn viên trẻ đầy hứa hẹn. Phiên bản “Romeo và Juliet” 2019 của Nhà hát Tuổi trẻ lần này chứa đựng nhiều yếu tố mới lạ, được dàn dựng bởi đạo diễn Beverly Blankenship - nữ đạo diễn người Áo đã nổi danh ở châu Âu trong nhiều năm qua.
Với vở diễn này, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ có phụ đề tiếng Anh, thuận lợi cho khán giả là người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội có thể đến thưởng thức.
Đạo diễn Beverly Blankenship là người đã tham gia giảng dạy trong một dự án sân khấu tại Hà Nội từ năm 2010. Bà từng tâm sự là “bị cuốn hút và chinh phục bởi một đời sống sân khấu nhiều màu sắc ở Việt Nam” nên đã trở lại giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, là người đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa các nghệ sĩ, giảng viên và sinh viên chuyên ngành nghệ thuật của Việt Nam tới thăm Đại học Âm nhạc và nghệ thuật Sân khấu Vienna (Áo).
Được đánh giá là một nhà hát năng động, trẻ trung và luôn cập nhật những xu hướng mới của sân khấu thế giới, Nhà hát Tuổi trẻ đã mời đạo diễn Beverly Blankenship hợp tác để dàn dựng phiên bản mới của “Romeo và Juliet” sau gần 40 năm kể từ khi nhà hát này có bản dựng đầu tiên.
Đạo diễn Beverly Blankenship và các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ đã có nhiều thời gian để chia sẻ những say mê, ý tưởng, tâm huyết trong việc dàn dựng kịch bản “Romeo và Juliet” với một bản diễn mới lạ, tràn đầy năng lượng và nhịp điệu thời đại như đã ra mắt khán giả Thủ đô trong thời gian qua.
NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Phụ trách biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Dàn dựng một kịch bản đã vô cùng quen thuộc với khán giả toàn thế giới thành một vở diễn hấp dẫn là một thách thức không nhỏ đối với bất kỳ nhà hát nào. Làm mới một vở diễn đã từng thành danh tại Nhà hát Tuổi trẻ, đã có hàng trăm đêm diễn lại càng khó khăn hơn. Phiên bản “Romeo và Juliet” được kỳ vọng là sẽ vượt qua được chính mình, góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp vĩnh cửu của nhân loại thông qua sân khấu...”.
Phải nói rằng, năm 2019 vừa qua là một năm Nhà hát Tuổi trẻ đã có sự hợp tác tích cực và hiệu quả với nhiều đạo diễn người nước ngoài. Trước “Romeo và Juliet”, tháng 10-2019 dự án dàn dựng và sân khấu khóa tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du do Viện Goethe tại Hà Nội khởi xướng, hợp tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ khiến đông đảo khán giả quan tâm, chú ý.
Tham gia dự án này, ngoài 3 đạo diễn người Việt là NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai, NSƯT Sĩ Tiến còn có nữ đạo diễn Amélie Niermayer - một đạo diễn nổi tiếng đã làm việc cho nhiều nhà hát nói tiếng Đức và là đạo diễn của nhiều tác phẩm opera ở Đức và nước ngoài. Với 3 trích đoạn ngắn (20-25 phút), dự án sân khấu hóa tác phẩm “Truyện Kiều” đã hướng đến việc thử nghiệm những góc nhìn mới về thân phận và vai trò của người phụ nữ được thể hiện trong “Truyện Kiều”, đồng thời đi tìm lời giải cho câu hỏi “Những tác phẩm kinh điển nào có thể đưa lên sân khấu đương đại?”.
Cách đây hơn 1 năm, vào tháng 12-2018, Nhà hát Tuổi trẻ đã hợp tác với Nhà hát Không tường (Nhật Bản) để cùng dàn dựng và biểu diễn vở kịch “Cậu Vanya”. Đây là một tác phẩm lừng danh của văn hào Nga A.P. Chekhov.
Dự án hợp tác này nằm trong khuôn khổ các hoạt động thúc đẩy hợp tác và giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua các tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới. Tác phẩm đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài năng của cả hai nước tham gia và đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ được thực hiện theo quy chuẩn dàn dựng tác phẩm sân khấu rất khắt khe, hiện đại cùng các chuyên gia về sân khấu hàng đầu của Nhật Bản.
Vì thế, các nghệ sĩ tham gia dự án này như NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, Thu Quỳnh, Thanh Dương, Hương Thủy... đều rất hào hứng. Sau khi vở diễn “Cậu Vanya” được biểu diễn thành công tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, vở diễn tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ IV-2019 hồi tháng 10 vừa qua và đã trở thành 1 trong 4 vở diễn xuất sắc giành được Huy chương Vàng. Liên hoan quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ III-2016, Nhà hát Không tường cùng đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cũng từng đoạt Giải Xuất sắc với vở diễn “Chim hải âu” - cũng là một tác phẩm của nhà văn Chekhov.
Sự đổi mới cần thiết
Có thể nói, năm 2019 vừa qua, sân khấu Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực đến từ sự góp mặt của các đơn vị sân khấu tư nhân như nhóm Lucteam của NSƯT Trần Lực và Sân khấu Lệ Ngọc của NSND Lệ Ngọc. Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, Sân khấu Lệ Ngọc đã mời đạo diễn, Tiến sĩ Chua Soo Pong - một đạo diễn người Singapore rất có ảnh hưởng trong khu vực châu Á - đến Hà Nội dàn dựng vở “Tấm Cám” (kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu).
Vở diễn này đã có nhiều đêm khán giả thiếu nhi chật kín khán phòng bởi công tác truyền thông, quảng cáo, tiếp thị đến các trường học của Sân khấu Lệ Ngọc hiện đang được thực hiện khá chuyên nghiệp. Vốn là câu chuyện cổ tích Việt Nam quen thuộc, song kịch bản lần này cũng được nhà văn Nguyễn Hiếu làm mới bằng việc bỏ đi những chi tiết bị xem là thiếu nhân văn ở phần cuối truyện, thay vào đó là các chi tiết được mềm hóa, hiện thực hóa đi như hình ảnh Bụt được thay bằng hình ảnh mẹ của Tấm với ý nghĩa tấm lòng bao dung của người mẹ sẽ che chở và đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con. Sau khi biểu diễn tại Việt Nam, vở diễn “Tấm Cám” sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc đưa đi dự “Liên hoan nghệ thuật thiếu nhi quốc tế” tổ chức tại Nhật Bản năm 2020.
Tên tuổi của đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong không hề xa lạ với khán giả Việt Nam. Trước vở “Tấm Cám”, đạo diễn Chua Soo Pong từng có 2 lần hợp tác với Sân khấu Lệ Ngọc trong các vở diễn dành cho thiếu nhi là “Đám cưới con gái chuột” và “Con gà trống”. Hai vở diễn này cũng nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác về sân khấu, liên hoan sân khấu quốc tế và khu vực. Điều này cho thấy, đạo diễn Chua Soo Pong rất có duyên với sân khấu Việt Nam, đặc biệt là kịch thiếu nhi - loại hình ông dành rất nhiều tâm huyết.
Cách đây vài năm, đạo diễn Chua Soo Pong từng có sự hợp tác thành công với Nhà hát Tuồng Việt Nam với vở “Dưới bóng đa huyền thoại” do ông viết kịch bản đồng thời làm đạo diễn. Đây cũng là sự kiện đánh dấu hợp tác đầu tiên giữa một đạo diễn người nước ngoài với loại hình sân khấu Tuồng ở Việt Nam, mang đến những trải nghiệm mới lạ cho cả đạo diễn và diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Có thể thấy, trong thời kỳ đổi mới - hội nhập với thế giới trong kỷ nguyên công nghệ số này, sự hợp tác, giao lưu với các nền sân khấu thế giới, với các đạo diễn đương đại tài năng của thế giới sẽ đem đến cho sân khấu Việt Nam những bước khởi sắc đáng mừng. Nỗ lực của các nghệ sĩ đưa sân khấu Việt Nam bắt nhịp với những bước chuyển mình, sự mới mẻ, hiện đại của sân khấu thế giới trong thời gian qua là điều đáng được ghi nhận và cổ vũ.