Sân khấu kịch lâm nguy, loay hoay 'tìm đường sống'
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh và Hồng Vân chuyển sang diễn theo mùa thay vì diễn cuối tuần, nhiều sân khấu khác cũng đang buộc phải thay đổi...
Nhiều khó khăn, áp lực
Sau 22 năm sáng đèn và trở thành một trong những thương hiệu sân khấu định hình trong lòng khán giả TP.HCM, NSND Hồng Vân khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố thay đổi phương thức hoạt động.
Thay vì liên tục sáng đèn vào các dịp cuối tuần, sân khấu có kế hoạch chuyển hướng diễn theo mùa.
Theo dự định, sân khấu sẽ ngưng diễn các vở cũ và đầu tư vở mới, quy tụ lực lượng diễn viên hùng hậu và diễn theo thời gian quy định. Các vở sẽ được diễn vào những mùa lễ Tết, hội hè, dịp kỷ niệm... và đưa đi lưu diễn, phục vụ các tỉnh và trường học.
NSND Hồng Vân tâm sự, hợp đồng với đơn vị chủ quản địa điểm là sân khấu kịch Phú Nhuận hiện có sự thay đổi về thời gian ký và giá cả.
Bản thân chị không theo được nên đang ngưng lại chờ thương thảo. Nếu có vở diễn, sân khấu vẫn hoàn toàn có thể diễn bình thường theo cách thuê địa điểm biểu diễn như các đối tác khác trong khi chờ ký hợp đồng mới.
Sân khấu kịch Phú Nhuận của “bà bầu” Hồng Vân là một trong những điểm đến văn hóa quen thuộc với nhiều khán giả yêu mến kịch nói hàng chục năm qua.
Bởi thế, việc sân khấu phải thay đổi cách thức hoạt động khiến không chỉ nữ nghệ sĩ mà cả các diễn viên đều hụt hẫng. “Nếu thay đổi giá thuê địa điểm, sẽ phải thay đổi giá vé và điều đó liên quan tới rất nhiều thứ”, nữ nghệ sĩ thổ lộ.
Trước đó không lâu, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng theo hướng tương tự, chuyển sang diễn theo mùa và tổ chức những chuyến lưu diễn.
Sự thay đổi này đã gây “choáng” bởi trong làng sân khấu xã hội hóa TP.HCM, Hoàng Thái Thanh là sân khấu đã định hình một sự khác biệt. Mang phong cách chính kịch, sân khấu mang tới nhiều vở diễn nổi tiếng như: “Nửa đời ngơ ngác”, “Bàn tay của trời”, “Bông hồng cài áo”, “Bạch Hải Đường”…
Suốt 12 năm miệt mài với những vở diễn được đầu tư nghiêm túc, chỉn chu, nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như cũng gặp vô số áp lực, khó khăn. Đó là việc tìm kiếm kịch bản hay, cộng thêm khán giả ngày càng thưa vắng.
Sân khấu phải cạnh tranh với quá nhiều loại hình giải trí trên mạng xã hội, khiến diễn viên cũng lao vào chạy đua trong công cuộc mưu sinh, gây ảnh hưởng đến việc tập luyện, chất lượng vở diễn…
Theo NSƯT Thành Hội, sân khấu đang lâm nguy nên Hoàng Thái Thanh buộc phải thay đổi để tồn tại. “Có thể phương án mới sẽ thành công hoặc thất bại, nhưng các nghệ sĩ đã làm hết sức mình và làm bằng cả trái tim”, ông tâm sự.
Tâm huyết mới có thể duy trì
Việc 2 sân khấu lâu năm và có thương hiệu bước vào giai đoạn “khủng hoảng” cho thấy một bối cảnh khó khăn của các sân khấu xã hội hóa.
Có thể nói, TP.HCM là nơi hội tụ của những sân khấu kịch xã hội hóa, không có sự bao cấp hay hỗ trợ của Nhà nước hay các đơn vị chủ quản. Do đó, sự tồn tại của các sân khấu chủ yếu nhờ thị hiếu của khán giả.
Những người trong nghề đều nhìn nhận, khác với khán giả miền Bắc không có thói quen thường tới các sân khấu kịch vào mỗi dịp lễ, Tết, khán giả miền Nam lại yêu kịch nói. Việc tới sân khấu các ngày Tết, ngày lễ trở thành thói quen của nhiều người.
NSND Hồng Vân thừa nhận, những khó khăn khiến sân khấu lâm nguy không hoàn toàn do khán giả thưa vắng. Bởi, bất chấp có nhiều sự cạnh tranh về loại hình giải trí và dịch bệnh, khán giả TP.HCM vẫn yêu sân khấu. Trong đợt diễn vào dịp nghỉ lễ vừa qua, lượng khán giả đến ủng hộ sân khấu Hồng Vân vẫn đông.
Tuy nhiên, số tiền thu được từ việc bán vé trước nay vốn không đủ để bù lỗ cho các tác phẩm sân khấu. Bởi thế, bản thân chị nhiều năm qua nỗ lực duy trì sân khấu vì đam mê và muốn có một địa điểm văn hóa cho khán giả, cho các diễn viên trẻ có nơi làm nghề.
“Nhưng giờ, tôi đã có tuổi và mệt lắm rồi, không cố gồng được nữa. Tôi để nghệ sĩ Trịnh Kim Chi tiếp tục thay mình gánh vác”, Hồng Vân chia sẻ.
Một trong những “bà bầu” sân khấu kịch cũng luôn phải bỏ tiền túi của mình để bù lỗ, duy trì sân khấu là NSƯT Mỹ Uyên.
Chị cho biết đợt dịch bệnh vừa qua đã khiến các sân khấu lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì không thể diễn, không có thu nhập.
Sân khấu kịch 5B của nghệ sĩ Mỹ Uyên may mắn không phải trả tiền thuê mặt bằng vì là sân khấu của Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM, nhưng nhiều sân khấu khác như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, Minh Nhí… vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng dù không có doanh thu.
“May mắn từ khi diễn vào Tết Nguyên đán tới nay, 200 ghế của Sân khấu kịch 5B luôn được lấp đầy khoảng 80%. Tuy nhiên, các vở được công diễn chủ yếu vẫn là vở cũ được dựng từ năm ngoái, không có kinh phí để làm vở mới”, nghệ sĩ cho hay.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên cũng không ít lần trăn trở về việc có nên thay đổi hoạt động, hay đóng cửa sân khấu hay không vì phải chịu lỗ liên tục. Thế nhưng, chị thừa nhận: “Nghĩ nhiều nhưng tôi không làm được. Phải có tinh thần yêu nghề, tâm huyết lắm và muốn “giữ lửa”, các nghệ sĩ mới có thể gồng gánh được”.
Để có thể linh hoạt tồn tại giữa thị trường, các sân khấu cũng thay đổi trong việc tiếp cận khán giả. Nếu các sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh buộc phải đổi cách thức hoạt động thì các sân khấu khác cũng tìm cách sinh tồn khác nhau.
Sân khấu kịch 5B chuyển hướng khai thác thêm thị trường thiếu nhi, chuẩn bị dàn dựng phần 2 của vở kịch “Vương quốc những người xấu xí”. Hai tháng nay, các buổi diễn cho thiếu nhi đều kín chỗ. Sân khấu kịch Idecaf tích cực duy trì thương hiệu “Ngày xửa ngày xưa” với những vở diễn mới.
Trong khi đó, sân khấu Minh Nhí lại mang các vở đi lưu diễn, dàn dựng những sản phẩm mới mang phong cách vui vẻ. Theo NSƯT Minh Nhí thì “sau dịch bệnh, khán giả cần sự vui tươi để có thể quên đi mệt mỏi nên cần các vở diễn phong cách tươi sáng, hài hước”.
Hiện NSƯT Trịnh Kim Chi đang thương thảo với chủ sân khấu kịch Phú Nhuận để có thể ký hợp đồng thuê địa điểm một cách trọn vẹn cho hai bên, phù hợp với tình hình thực tế.
Nếu việc thương thảo thành công, sân khấu kịch Hồng Vân vẫn có thể tiếp tục duy trì lịch diễn định kỳ mỗi cuối tuần.