Sân khấu Lệ Ngọc: Điểm sáng trong nền sân khấu đương đại
14 giờ 30 ngày Chủ nhật 14/3 tại rạp Đại Nam, Sân khấu Lệ Ngọc chính thức lên sàn liền hai vở diễn 'Dế mèn' chuyển thể từ chuyện đồng thoại nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài và 'Làm vua' của tác giả Lê Chí Trung. Có thể xem đây là trường hợp đặc biệt đáng mừng của giới sân khấu trong hoàn cảnh buồn hiện nay.
Thực tế buồn trong giới nghệ thuật tồn tại có lẽ đến 2,3 thập niên nay là hiện tượng sân khấu bị người xem quay lưng. Không kể các vở diễn làm theo kế hoạch, mà cả những vở được đầu tư công phu với số tiền lên đến hàng tỷ cũng lập lại trình tự thảm hại. Tổng duyệt, khai trương mời khách rồi sau đó cố diễn lay lắt được đôi ba buổi xong xếp kho.
Sân khấu phía Nam với sự năng động thị trường đã tung ra đủ chiêu trò lôi kéo khán giả như kịch kinh dị, kịch ma, kịch đồng tính… nhưng mỗi vở cũng chỉ diễn được 5, 6 buổi rồi dừng lại.
Trong thực trạng buồn của làng kịch như vậy thì sân khấu Lệ Ngọc - Một đơn vị sân khấu tư nhân duy nhất ở Hà Nội và có thể nói cả phía Bắc – lại liên tục tạo ra những kỉ lục đáng thèm muốn của bất kì đơn vị sân khấu nào ở nước ta.
Sân khấu Lệ Ngọc (SKLN) được manh nha từ một bộ phận của Nhà hát kịch Việt Nam (thời nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh làm Giám đốc Nhà hát và ông cũng có nhiều đóng góp cho sự hình thành, ra đời của SKLN) với phương châm lấy xã hóa làm phương tiện hoạt động.
Ngay từ bước đầu hoạt động, đơn vị sân khấu này đã tạo ra sức hút với hai tiết mục. “Ngũ biến” (một tiết mục được sân khấu hóa từ một thể thức tôn giáo và nghệ thuật trong dân gian - Hầu Đồng) và “Kim tử” một vở diễn được dàn dựng theo kịch bản rút gọn của nhà viết kịch Trung Quốc nổi tiếng Tào Ngu. Cả hai tiết mục này đã liên tục được biểu diễn trong hàng trăm đêm với sự hấp dẫn và thán phục của khán giả trong nước và ngoài nước.
Sau những bước đi chập chững thử nghiệm ban đầu, năm 2018 SKLN chính thức trình làng với vở diễn “Chí Phèo – Thị Nở” của Lê Chí Trung với những hiệu ứng tích cực từ độ dầy của các đêm diễn, sự hấp dẫn của khán giả trong và ngoài nước và sức hút từ dư luận xã hội.
Từ điểm xuất phát vững vàng sau “Chí Phèo - Thị Nở”, bước vào năm 2019 có thể xem là năm thăng hoa trong hoạt động của đơn vị sân khấu tư nhân này.
Bên cạnh việc tiếp tục trình diễn với mật độ liên tục đỏ đèn thì SKLN liên tiếp dàn dựng hàng loạt vở diễn có sức hút lớn với khán giả, tạo ra hiện tượng đáng tự hào cho giới sân khấu. Đó là vở diễn “Tấm Cám” (Kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu) và “Truyền thuyết gò Rồng ấp” (Kịch bản của nhà văn Nguyễn Thế Kỉ).
Cả hai vở diễn này được tham gia Liên hoan sân khấu Trung Quốc và Asean và cùng được trao tặng giải thưởng “Hoa dâm bụt” (tương đương HCV của Việt Nam). Còn ở trong nước, vở diễn “Tấm Cám” đã tạo nên cơn sốt của mùa hè 2019. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, gần một trăm suất diễn đã phủ hầu khắp tất cả sân khấu của Hà Nội. Từ Nhà hát lớn, rạp Đại Nam đến rạp Hồng Hà, Nhà hát Âu Cơ… nhiều ngày diễn liên tục ba suất.
Vở diễn “Tấm Cám” không chỉ có sức hút ở Hà Nội mà TPHCM rồi ở nước ngoài. SKLN vinh dự được diễn “Tấm Cám” phục vụ vua Bhutan và Hoàng gia theo lời mời của Ngài. Nếu năm 2020 không bị tác động của dịch COVID-19 thì vở diễn “Tấm Cám” của SKLN sẽ tham gia liên hoan sân khấu quốc tế tại Nhật Bản.
Có thể nói cùng với “Chí phèo – Thị Nở”, “Tấm Cám” là hai tiết mục mà SKLN đã làm thức dậy niềm say mê sân khấu của khán giả trong và ngoài nước .
Sau thành công vượt trội của năm 2019, SKLN tiếp tục bước vào năm 2020 với những kỉ lục khó vượt qua của bất kì đơn vị sân khấu nào của nước ta trong thời buổi khó khăn vì dịch bệnh, vì sự thờ ơ của khán giả đối với sân khấu.
Năm 2020 đơn vị sân khấu này dựng 6 kịch bản, trong đó có một kịch bản dành cho thiếu nhi; tham gia hội diễn của ngành Công an; và cũng là đơn vị sân khấu duy nhất có vở diễn chuyển tải đề tài thời sự nóng bỏng về dịch COVID.
Mặc dù bị hạn chế vì dịch bệnh nhưng năm 2020 SKLN đã công diễn gần 200 suất, vào TP Hồ Chí Minh 2 lần với tổng số buổi diễn tại Nhà hát thành phố lên đến con số 40.
Còn bước vào năm 2021 NSND Lệ Ngọc, người đứng đầu đơn vị sân khấu này cho biết sẽ dàn dựng 5 vở diễn trong đó có một vở dành cho thiếu nhi, một vở tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp diễn ra vào tháng 7 tới.
Tại sao một đơn vị sân khấu tư nhân lại tạo ra kì tích dàn dựng nhiều, lịch diễn kín mít, đánh thức được niềm say mê của khán giả đối với sân khấu trong tình trạng chung sân khấu u buồn như hiện nay?
Trả lời câu hỏi này hãy bắt đầu từ người sáng lập ra SKLN. Chủ soái của SKLN là NSND Lệ Ngọc vốn là một trong những diễn viên hàng đầu trong lứa diễn viên kế cận thế hệ diễn viên vàng của Nhà hát Kịch Việt Nam với Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, Trần Tiến, Quang Thái…
Chị tốt nghiệp khóa 1 lớp diễn viên được Nhà hát đào tạo cùng với những người sau này đa phần trưởng thành các diễn viên gạo cội của sân khấu nước ta như Trọng Trinh, Ngọc Bích, Lan Hương (Bông), Đỗ Kỉ, Quốc Khánh.
Trong thời gian công tác tại Nhà hát kịch với năng khiếu vào các vai diễn có tâm lý phức tạp, có sự đan chéo giữa bi kịch và hài kịch, Lệ Ngọc được giao nhiều vai diễn nặng kí và đã có nhiều thành công trong các vở “Chia tay hoàng hôn”, “Tiếng hát cuộc đời”, “Lâu đài cát”, “Hồng lâu mộng”, “Tình xuyên đại dương”, “Trên cả trời xanh”…
Tại các Hội diễn, Liên hoan sân khấu, Lệ Ngọc đã gặt hái được nhiều phần thưởng giá trị. Với thành tựu nghệ thuât như vậy nên năm 2015, chị được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND cao quý.
Cũng chính vì tài năng diễn xuất như vậy nên gần chục vở diễn đã ra lò của SKLN chị đều thủ vai chính với một tài năng diễn xuất nhuần nhuyễn và đột phá, trong đó phải kể sự diễn xuất đa dạng NSND Lệ Ngọc đã thành công vượt bậc trong vở “Chí Phèo- Thị Nở” khi thăng hoa lột tả được tính cách của hai người đàn bà hoàn toàn trái ngược nhau về hình thể, hoàn cảnh, tính tình. Đó là nhân vật Thị Nở và vợ Ba Bá Kiến. Còn trong vở “Tấm Cám” thì nhân vật dì ghẻ của Lệ Ngọc có thể xếp vào bộ sưu tập các diễn viên đóng thành công vai diễn ghê gớm này
Tiếp xúc với NSND Lệ Ngọc, bà chủ của SKLN điều dễ nhận thấy đầu tiên ở chị là lòng say mê nghề diễn. Dường như trong người đàn bà xinh đẹp này luôn cháy lên ngọn lửa đam mê nghề diễn và sân khấu. Chính sự đam mê này đã giúp NSND Lệ Ngọc tạo ra SKLN một sân chơi nghệ thuật đáng trân trọng và tạo ra hiệu ứng tốt đẹp với khán giả.
Nhưng cũng sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến hai nhân vật có vai trò quan trọng để có được một SKLN thành công như hôm nay. Đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Với sự phản xạ nhanh nhạy của một nghệ sĩ, sự tháo vát của nhà quản lý khi làm Giám đốc đương nhiệm của Nhà hát, ông đã tác động rất lớn cho sự hình thành của SKLN và cho tới nay khi đã nghỉ hưu ông vẫn là thành viên không thể thiếu của đơn vị sân khấu tư nhân này (Nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh đảm nhận vai trò đối ngoại của SKLN rất hợp với sở trường nhanh nhạy, thông thạo ngoại ngữ của ông) và vai trò Nghệ sĩ (Nguyễn Thế Vinh đóng rất đạt nhân vật hướng dẫn viên du lịch trong vở “Chí phèo - Thị Nở”).
Nhân vật thứ hai là nghệ sĩ Nguyễn Hải. Ông là phu quân của NSND Lệ Ngọc và vốn là diễn viên cùng lứa ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau thời gian nghỉ diễn vì việc riêng, ông đã tạo điều kiện rất nhiều để phu nhân của ông, NSND Lệ Ngọc giữ được ngọn lửa đam mê nghệ thuật, cụ thể là để SKLN ra đời, tạo dựng kịch mục, và có được những thành tựu sân khấu đáng phục hôm nay.
Phu quân của NSND Lệ Ngọc - nghệ sĩ Nguyễn Hải đã quay lại sàn diễn và chỉ trong năm 2020 vừa qua nghệ sĩ Nguyễn Hải đã thăng hoa trên sàn diễn với hàng loạt vai diễn được khán giả đánh giá cao như Bá Kiến trong “Chí phèo- Thị nở”, Tướng công an trong “Tình bạn và công lý”, Vua Trang Vương trong “Quan Âm điều thiện”, Lãnh đạo Bộ Y tế trong “Cuộc chiến cô vit”, giáo sư trong “Mảnh vỡ Hà Nội” ….
Ra đời chưa được bao lâu nhưng với những gì SKLN đã mang lại cho làng sân khấu Việt Nam, đơn vị sân khấu tư nhân này xứng đáng là một điểm sáng với những kinh nghiệm quý báu trong sự tiếp thị, quảng bá, giao lưu với khán giả để thu hút họ. Còn với khán giả SKLN có công lớn là tạo ra sức hấp dẫn của sân khấu đối với người xem, đánh thức ở họ niềm say mê kịch trường tưởng như đã bị ngủ quên