Sân khấu nghệ thuật truyền thống: Cần làm mới mình
Đổi mới cả về hình thức lẫn cách thức tiếp cận khán giả, nâng cao năng lực chuyên môn là những yêu cầu đối với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa trong việc gìn giữ, phát huy sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi hiện nay.
Đổi mới cả về hình thức lẫn cách thức tiếp cận khán giả, nâng cao năng lực chuyên môn là những yêu cầu đối với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa trong việc gìn giữ, phát huy sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi hiện nay.
Phải đổi mới
Với mục đích nâng cao năng lực hoạt động của Nhà hát NTTT tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình mới. Trong đó, chú trọng việc gắn hoạt động dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật tuồng và dân ca kịch bài chòi với sự phát triển du lịch và hội nhập quốc tế. Cụ thể, nhà hát phải nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình, vở diễn mang tính đặc sắc, đậm nét truyền thống của dân tộc, nhưng phải hiện đại, gần gũi với công chúng, nhất là giới trẻ. Để làm được điều đó, nhà hát cần quan tâm ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào các chương trình, vở diễn; triển khai việc đặt hàng các tác giả có uy tín, tài năng viết kịch bản có chất lượng cả về giá trị tư tưởng lẫn nghệ thuật; mời các ê kíp dàn dựng chương trình, vở diễn giỏi nghề, nổi tiếng; đồng thời chú trọng đầu tư trang phục, đạo cụ, cảnh trí… Đơn vị cũng cần mạnh dạn bố trí lực lượng diễn viên trẻ, có trình độ, năng lực chuyên môn vào những vai diễn chính; chú trọng đầu tư các trích đoạn, chương trình lẻ để phục vụ biểu diễn nghệ thuật đường phố, sân khấu học đường và dịch vụ du lịch.
Đội ngũ nhân sự của nhà hát, nhất là các nghệ sĩ, diễn viên cũng cần được nâng cao chất lượng chuyên môn gắn với việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng một cách chặt chẽ, liên tục; giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với nghệ sĩ, diễn viên để họ yên tâm công tác. Đơn vị cũng cần đổi mới, mở rộng các hình thức, phương thức phục vụ để tạo sự quan tâm, thu hút mọi đối tượng khán giả; chủ động khai thác, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ biểu diễn; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về những chương trình, vở diễn, buổi diễn của đơn vị. Bên cạnh đó, thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch để có thể xây dựng chương trình, tổ chức biểu diễn phục vụ du khách thường xuyên.
Đề xuất một số giải pháp
Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Nhà hát NTTT tỉnh, sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh để đề xuất các giải pháp. Trước hết, sở đề nghị UBND tỉnh cho phép tăng số buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố từ 2 lên 3 buổi/tuần. Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển dụng, đào tạo diễn viên, nhạc công, nhà hát được phép đào tạo tại chỗ, theo phương thức để các nghệ sĩ có chuyên môn tốt kèm cặp, truyền nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ hoặc còn yếu về chuyên môn…
Ngoài ra, do địa phương không có cơ sở đào tạo bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống nên đơn vị phải tuyển lực lượng diễn viên, nhạc công tốt nghiệp từ các chuyên ngành khác. Để những người này có thể đáp ứng yêu cầu công việc phải mất thời gian để đào tạo lại. Hiện nay, số lượng biên chế của nhà hát so với chỉ tiêu được giao đã kín, vậy nên muốn tuyển dụng thêm diễn viên, nhạc công trẻ thì phải chờ diễn viên, nhạc công lớn tuổi nghỉ chế độ. Trong bối cảnh đó, sở đề nghị UBND tỉnh cho phép toàn ngành Văn hóa - Thể thao đến năm 2021 sẽ giảm đủ 10% biên chế so với năm 2015. Đến giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ vào tình hình cụ thể mới xem xét việc giảm chỉ tiêu biên chế của nhà hát. Đây là phương án hợp lý để ngành vừa có sự chủ động trong việc điều chỉnh, sắp xếp biên chế chung, vừa tháo gỡ được khó khăn về nhân sự của nhà hát.
Những giải pháp đã đưa ra nếu được triển khai thực hiện sẽ góp phần giúp cho sân khấu truyền thống có thể bắt kịp xu thế chung. Tuy nhiên, để điều này thành công, đòi hỏi có sự chuyển mình thực sự từ chính mỗi nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và tư duy của đội ngũ lãnh đạo nhà hát.
Giang Đình