Sân khấu nước ta đang cần thử nghiệm lớn
Việc mở ra Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm là thêm một lần nhấn mạnh đến sự sáng tạo, yếu tố quan trọng để lôi kéo người xem quay lại.
Hơn 2 thập niên qua, sự sáng tạo trong sân khấu nước ta dường như bị xem nhẹ. Việc mở ra Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm là thêm một lần Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam muốn nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo, yếu tố cực kỳ quan trọng để lôi kéo người xem quay lại sân khấu.
Sân khấu đang bị suy thoái
Sân khấu nước ta suy thoái trầm trọng, hiển hiện rõ nhất là kịch trường trống vắng người xem. Nguyên nhân thì đã có quá nhiều nhưng có thể tựu chung ở hai nguyên nhân là về mặt nội dung, sân khấu nước ta hơn 2 thập niên qua không phản ánh được những gì người xem đang mong đợi, trông chờ. Về mặt nghệ thuật, sân khấu nước ta quá cũ và dường như không có những sáng tạo lớn mà vẫn sa đà vào những mảng miếng, vụn vặt, luẩn quẩn.
Vở diễn sân khấu là kết quả tổng hòa của các thành phần, từ tác giả kịch bản đến đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ, nhân viên hậu đài, người chỉ đạo nghệ thuật và cả người quản lý đơn vị sân khấu... Nghệ thuật sân khấu cũng phải chấp nhận một quy luật bất biến dành cho mọi loại hình nghệ thuật, đó là sự sáng tạo, sáng tạo không ngừng.
Vậy sự cũ, sự kém sáng tạo của sân khấu nước ta nằm ở khâu nào?
Cá nhân tôi khẳng định: Nó nằm ở tất cả các khâu. Đầu tiên trong khâu kịch bản sân khấu - khâu mở đầu cho mọi sáng tạo nghệ thuật sân khấu. Ngay từ khi có sân khấu, ở các nền sân khấu phát triển đã xuất hiện rất nhiều cách viết kịch bản khác nhau.
Như kiểu kịch cổ điển Hy Lạp, kịch cổ điển, kịch tam nhất Pháp, kịch lãng mạn Anh đến những thập niên đầu của thế kỷ 19 trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều loại kịch bản viết theo nhiều trường phái mới phát sinh. Từ phi lý đến giả tưởng, từ tả chân với kết cấu kịch bản qua từng giai đoạn mâu thuẫn phát sinh, mâu thuẫn phát triển và giải quyết mâu thuẫn theo phương pháp Xtanilaspxki... Trong khâu đạo diễn cũng vậy, sự tung hoành đi tìm những thủ pháp mới của sân khấu thế giới cũng thật đáng ghi nhận.
Sự sáng tạo của cha ông bị mai một
Còn ở ta, mặc dù sân khấu của cha ông rất sáng tạo như sân khấu chèo, tuồng… Mọi thủ pháp mà sân khấu thế giới đến thế kỷ 20 trầm trồ coi là đỉnh cao sáng tạo như gián cách, tượng trưng, giả tưởng… thì cha ông ta đã làm và đã có những thành tựu để đời từ vài ba thế kỷ trước qua những đêm diễn trên chiếu chèo sân đình, trong các vở tuồng.
Đáng buồn đến hôm nay, các loại hình sân khấu dân tộc của ta không những làm mai một những thủ pháp sáng tạo của cha ông mà còn làm mất đi rất nhiều di sản của cha ông. Chèo, tuồng đang mất dần đi bản sắc loại hình để lai tạp khiên cưỡng nghệ thuật kịch nói từ khâu kịch bản đến đạo diễn, cách diễn.
Còn kịch nói nước ta, đành rằng ra đời muộn so với các loại hình sân khấu dân tộc nhưng đáng buồn thay với độ trẻ như vậy nhưng sự sáng tạo lại rất hiếm hoi, nếu như không muốn nói là không có ở hầu hết các khâu để làm nên thành công vở diễn.
Khâu kịch bản thì hầu như vẫn giẫm chân tại chỗ. Hầu hết các tác giả sân khấu đều tự trói mình để tuân theo một cách bảo thủ cách viết theo lý luận trường phái Xtanilaspxki. Trong hàng nghìn kịch bản đã viết ra, được dàn dựng chỉ có vài ba kịch bản hiếm hoi lấy sự giả tượng làm thủ pháp chính là “Hồn Trương ba da hàng thịt”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”... Còn các phương pháp tượng trưng, phi lý, ngẫu nhiên, tùy hứng... đều vắng bóng.
Trong khâu đạo diễn cũng vậy. Dường như các đạo diễn vẫn coi trọng cách kể, cách mô tả như thật cuộc sống với những mảng miếng cụ thể. Thủ pháp gián cách, tượng trưng, hoặc đan lồng với các hình thức nghệ thuật khác dường như chưa được quan tâm, nếu không muốn nói là bị xem nhẹ, bỏ qua.
Gần đây cố đạo diễn NSND Anh Tú khi dàn dựng một số vở diễn, trong đó tiêu biểu là “Kiều” đã tìm đến những thủ pháp mới như đưa múa, hát vào vở diễn, hay thủ pháp tượng trưng đã ít nhiều thổi luồng gió mới trong mảng đạo diễn. Đáng tiếc, hiện tượng này quá hiếm hoi…
Đối với các nhà quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, trong cách chọn vở để dàn dựng cũng có tình trạng giống như tác giả kịch bản và đạo diễn. Ưu tiên và chú trọng chọn những kịch bản tả chân (cả trong nội dung và bút pháp) theo trường phái Xtanilaspxki và sẵn sàng bỏ qua các kịch bản có cách viết mới lạ…
Và những hy vọng…
Từ thực tế của sân khấu Việt Nam như thế tôi cho rằng việc liên tiếp 4 lần mở Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là một cố gắng đáng ghi nhận trong việc tìm một hướng đi, từng bước đưa sân khấu nước ta thoát khỏi những khủng hoảng, gây lại những hấp dẫn sở trường của nghệ thuật sân khấu đối với người xem.
Hy vọng Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 (diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 4 - 13/10 với 14 đơn vị nghệ thuật trong nước và 7 đoàn quốc tế đăng ký tham gia) là một cú hích quan trọng để sân khấu nước ta thực sự coi trọng sự sáng tạo, coi đó là nhân tố hàng đầu phục hưng sân khấu, đưa sân khấu nước ta trở lại đỉnh cao. Sự sáng tạo trong sân khấu không chỉ dừng ở những cuộc liên hoan thử nghiệm mà thực sự sân khấu Việt Nam đang rất cần một cuộc thử nghiệm lớn về chiều sâu và cả sự thường xuyên./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/san-khau-nuoc-ta-dang-can-thu-nghiem-lon-966101.vov