Sân khấu thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả

Sau 8 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 nhân kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long-Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam, đã bế mạc tối 3-10.

Các nhà hát, nghệ sĩ đã mang đến những làn gió mới, tạo hiệu ứng tốt cho công chúng yêu sân khấu qua các vở diễn thuộc loại hình nghệ thuật: Chèo, cải lương, kịch nói.

Hơi thở cuộc sống trên sân khấu

Buổi diễn sáng 30-9, vở “Bạch đàn liễu” của LucTeam (NSƯT Trần Lực và các nghệ sĩ, học trò Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) đông kín người xem tại khán phòng rạp Đại Nam. Dễ hiểu, bởi người yêu sân khấu Hà Nội trong những năm trở lại đây luôn háo hức mỗi khi LucTeam diễn vở mới. Cách đây 4 năm, vở “Quẫn” của thầy trò nghệ sĩ Trần Lực cũng đã tạo dấu ấn tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2016, khi dựng lại tác phẩm hài kịch kinh điển của tác giả Lộng Chương theo cách tiếp cận mới. Vở “Quẫn” đã có sức sống rất tốt sau khi bước ra sân khấu liên hoan với hàng chục buổi diễn có doanh thu, và đến nay, “Bạch đàn liễu” của LucTeam cũng hứa hẹn có những suất diễn “cháy vé”.

 Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu” của LucTeam.Ảnh: Quang Vinh.

Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu” của LucTeam.Ảnh: Quang Vinh.

“Bạch đàn liễu” có số phận khá đặc biệt. Cố nhà viết kịch Xuân Trình viết kịch bản năm 1968, được dàn dựng năm 1973, nhưng sau bao lần xét duyệt, vở không được công diễn. Phải đến ngày hôm nay, khán giả mới được thưởng thức vở diễn này. Vở diễn cuốn hút khán giả ngồi xem say sưa, đắm mình vào không khí của một câu chuyện xảy ra thời chiến tranh, nhưng qua bàn tay của đạo diễn Trần Lực vẫn mang sắc thái đương đại và giá trị của thông điệp mà nhà viết kịch gửi gắm vẫn giàu ý nghĩa cho hôm nay: Tương lai, số phận của con người nằm trong tay mỗi cá nhân và nếu mỗi cá nhân không tự đứng lên đấu tranh thì không ai cứu giúp họ. Đạo diễn Trần Lực nhận ra những điều đặc sắc của “Bạch đàn liễu": Vấn đề dân chủ ở nông thôn là một vấn đề chất chứa từ nhiều năm qua, được tác giả Xuân Trình khái quát và viết lên theo kiểu sân khấu tự sự truyền thống, bằng ngôn ngữ kịch ước lệ đặc trưng, LucTeam đã mang đến sự cuốn hút đương đại cho vở diễn có tuổi đời gần nửa thế kỷ.

Trong vở “Người tốt nhà số 5” của cố tác giả Lưu Quang Vũ viết về cuộc giằng co căng thẳng giữa cái xấu và cái tốt trong những người sống tại một nhà tập thể thời kỳ bao cấp 40 năm trước, trở về với hôm nay đầy sống động, tưởng như chính là câu chuyện thời sự của hiện tại. Đạo diễn Tạ Tuấn Minh cùng dàn diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam đã mang đến một vở kịch xúc động, đáp ứng sự mong đợi của công chúng yêu sân khấu.

 Ban tổ chức trao HCV tặng các vở diễn xuất sắc.

Ban tổ chức trao HCV tặng các vở diễn xuất sắc.

Sân khấu vận động để thay đổi

Sân khấu trong những ngày qua dường như được khoác lên mình tấm áo mới, nhất là sau thời gian dài “ngủ đông” bởi tình hình bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Như lời của đạo diễn, NSƯT Trần Lực, sân khấu nếu không có sự thay đổi sẽ rất khó khăn, vì phương tiện, loại hình nghệ thuật, giải trí ngày càng nhiều. Trong đó, điều đầu tiên người làm sân khấu phải làm là đổi mới tư duy để sân khấu phải theo kịp khán giả. Người xem thời nay tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật nên họ cần ở sân khấu một điều gì đó khác chứ không phải cũ kỹ như ngày xưa.

NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận xét, với 13 đơn vị nghệ thuật, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV đã có sức lan tỏa và thu hút được nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, hấp dẫn cuộc sống, cuộc đấu tranh của người Hà Nội xưa và nay. Nhiều kịch bản cũ được dàn dựng với tư duy mới, nhiều đạo diễn trẻ tiềm năng xuất hiện và có thể thấy một lớp diễn viên trẻ tài năng đã sẵn sàng thay thế lớp trước... Tuy nhiên, sân khấu đề tài về Hà Nội nói riêng và sân khấu nói chung vẫn thiếu vắng kịch bản mới, hay; thiếu những vở diễn phản ánh cuộc sống hôm nay một cách chân thực và sâu sắc. Những yếu tố như âm nhạc, thiết kế sân khấu còn chưa hài hòa, ít sáng tạo.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của các tác giả, đạo diễn, diễn viên và những thành phần sáng tạo, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, mang đến cho công chúng những tác phẩm sân khấu có giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao. Hy vọng các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nghiêm túc khắc phục những hạn chế yếu kém để phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao; các nghệ sĩ biểu diễn không ngừng trau dồi nghề nghiệp, có nhiều vai diễn xuất sắc để phục vụ nhân dân.

Kết thúc liên hoan, 2 vở diễn được tặng Huy chương vàng (HCV) là: “Bạch đàn liễu” (LucTeam) và “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam); Huy chương bạc (HCB) thuộc về các vở: “Tình sử Thăng Long” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Truyền tích Cổ Loa xưa” (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh), “Trương Chi-Mị Nương” (Nhà hát Kịch Hà Nội); Đạo diễn xuất sắc thuộc về NSƯT Trần Lực và NSƯT Tạ Tuấn Minh; trao 21 HCV và 31 HCB tặng các diễn viên.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/san-khau-thay-doi-de-dap-ung-thi-hieu-khan-gia-639854