Sân khấu thế giới: Khao khát trở lại thánh đường nghệ thuật
Bên cạnh khó khăn vì kén khán giả, sân khấu ở khắp nơi trên thế giới đang rơi vào cảnh vắng lặng, gặp nhiều thách thức do dịch Covid-19. Và ở đâu, người nghệ sĩ cũng khát khao được trở lại thánh đường nghệ thuật.
Một cảnh trong vở "Cinderella" của Andrew Lloyd Webber vừa được diễn trở lại tại Nhà hát Gillian Lynne ở London.
Vắng lặng
Đã gần 2 năm nay, các sân khấu tại Anh rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều sân khấu đóng cửa hẳn vì dịch Covid-19. Theo báo cáo của Ampere Analysis, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, 2 năm qua là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với ngành công nghiệp giải trí. Trong đó, các nhà hát chịu ảnh hưởng nặng nhất về tài chính từ đại dịch - được dự đoán thiệt hại khoảng 24,4 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Khu London's West End - “kinh đô” của kịch nghệ và giải trí Anh - được coi là ví dụ điển hình về sự tàn phá của đại dịch đối với ngành giải trí. Bên cạnh đó, các nhà hát nhỏ hơn ở khắp đất nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Những nhà hát này vốn có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương và giúp nhiều người hơn được tiếp cận với sân khấu trên khắp đất nước.
Các nhà hát ở Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng loạt đơn vị như: Nhà hát Broadway, Nhà hát Casa Manana, Nhà hát Stage West, Nhà hát Jubilee, Phòng biểu diễn Bass... cùng nhiều tổ chức biểu diễn khác - vốn được coi là mạch máu của nghệ thuật biểu diễn, đã phải dừng hoạt động trong nhiều tháng liền. Nếu như trước đây, những nghệ sĩ biểu diễn đầy khát vọng từ khắp nơi trên đất nước di chuyển đến thành phố New York để theo đuổi sự nghiệp sân khấu thì giờ đây, đại dịch đã đảo ngược xu hướng đó. Các diễn viên ở New York đã rời bỏ thành phố với số lượng chưa từng có trong lịch sử. Họ không đủ sức để trang trải cuộc sống ở một trong những nơi có mức sinh hoạt phí cao nhất nước Mỹ như vậy.
Các nhà hát đã có những nỗ lực to lớn trong việc tìm cách tiếp cận công chúng trong đại dịch, nhưng họ cho biết mọi thứ đều không dễ dàng. Một số nhà hát cố gắng sản xuất tác phẩm để khán giả có thể xem từ trong xe ô tô để đảm bảo phòng dịch, hoặc tổ chức các show nhỏ ngoài trời, nhưng đôi khi chương trình bị hủy ngay trước giờ diễn vì diễn viên bị nhiễm Covid-19. Công nghệ số cũng mang đến những thách thức riêng. Dana Schultes, người điều hành sản xuất tại Nhà hát Stage West lâu đời của Fort Worth (Mỹ) cho biết, việc chuyển chương trình của họ từ trực tiếp sang trực tuyến không phải là điều dễ dàng. “Điều khó nhất khi tạo ra những trải nghiệm mới là khó có thể thuyết phục khán giả sân khấu. Họ không thích thử những điều mới” - Schultes nói. Với khán giả yêu sân khấu, họ đến rạp bởi yêu thích bầu không khí ở đó - điều không thể tìm thấy qua video hay những hình thức tương tác trực tuyến.
Chớp thời cơ để hồi sinh
Khi dịch tạm thời được kiểm soát, nhiều nhà hát ở Anh đã dốc sức với mong muốn hồi sinh sân khấu bằng những tác phẩm có kinh phí lớn. Theo tờ The Guardian, kể từ khi chính phủ Anh nới lỏng các quy định giới hạn với những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19, các sân khấu ở London's West End đã khôi phục hoạt động với các tác phẩm hoành tráng như “Cinderella”, “Frozen”, “Back to the Future”, “Hamilton” và “Mamma Mia!”. Colin Ingram, nhà sản xuất của “Back to the Future” cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một làn sóng nhu cầu bị dồn nén. Khán giả ngồi ở nhà trong suốt 18 tháng qua. Họ là những người có tiền, họ muốn giải trí và trải nghiệm trực tiếp”. Và đây là cơ hội để các nhà hát hồi sinh.
Nick Allott, Phó Chủ tịch Tập đoàn Cameron Mackintosh, nhà sản xuất các chương trình “Les Miserables” và “Hamilton”, cũng là chủ sở hữu 8 rạp hát ở London's West End, cho biết: “Mức độ phấn khích và phản ứng từ khán giả trong các buổi diễn mở màn thật phi thường. Các đêm khai mạc giống như khi Rolling Stones hoặc Beatles trở lại. Mọi người rất phấn khích”. Các nhà sản xuất chương trình “Back to the Future” cho biết, các buổi trình diễn được đặt trước vào tháng 8 đã ở mức 99% công suất và chương trình đã đạt được 97% “tổng tiềm năng”, điều khó tưởng tượng trong suốt nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, ông Nick Allott thừa nhận rằng, hiện nay, các chủ rạp vẫn tiếp tục “nín thở", không rõ liệu điều tồi tệ nhất đã qua hay chưa, và liệu còn điều cay đắng nào đang chờ họ phía trước. Bởi vì, trong thực tế, khi các rạp hát được bật đèn xanh để mở cửa trở lại với điều kiện hạn chế 50% công suất vào tháng 5 vừa qua thì chỉ ít lâu sau đó, đợt bùng phát dịch tiếp theo lại buộc họ phải đóng cửa. Khi trải qua đại dịch, khao khát hoạt động trở lại của các nhà hát mãnh liệt hơn bao giờ hết. “Nhà hát đã trở lại và chúng tôi đang chiến đấu hết mình để giữ nó trở lại”, Nick Allott khẳng định. Đây cũng là mong mỏi của những người làm sân khấu trên khắp thế giới.