Sân khấu thiếu tác phẩm về đời sống Hà Nội đương đại

Sân khấu Hà Nội thiếu vắng những tác phẩm về đời sống xã hội đương đại, thiếu các vấn đề về Hà Nội hiện nay. Đó là khẳng định của rất nhiều người làm sân khấu lẫn công tác lý luận, phê bình. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết vấn đề này vẫn đang là bài toán chưa hẳn có lời giải chính xác.

Tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô mới đây, câu chuyện về sân khấu Hà Nội thiếu vắng vở diễn về Hà Nội, nhất là các vở diễn về đời sống đương đại đã được đặt ra với Ban tổ chức ngay trước thềm liên hoan. Tuy nhiên, cả đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều cho rằng việc này nằm ngoài ý chí chủ quan của Ban tổ chức. Muốn điều chỉnh, có lẽ phải đợi thêm nhiều động thái khác cho mùa Liên hoan tiếp theo.

Gần đây nhất, tại hội thảo về sân khấu Hà Nội với cuộc sống hôm nay do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, tác giả kiêm đạo diễn Hoàng Thanh Du còn cho hay, tình trạng thiếu vắng tác phẩm sân khấu về đời sống đương đại của Hà Nội không chỉ có riêng mùa Liên hoan năm nay. Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2018 và 2020 đều có một thực trạng đáng buồn chỉ có một số rất ít vở diễn mang chủ đề đương đại và thiếu vắng các vở diễn về đề tài cuộc sống Hà Nội hôm nay. Nếu trong Liên hoan có vở nói về Hà Nội thì đa phần là dựng lại các kịch bản cũ.

Nghệ sĩ Xiếc trong chương trình "Hà Nội và em"

Nghệ sĩ Xiếc trong chương trình "Hà Nội và em"

Cũng theo đạo diễn Hoàng Thanh Du, hiện nay, các đơn vị sân khấu đều đang đứng trước thách thức của việc tự chủ hoạt động. Chỉ có những tác phẩm hay, chất lượng nói được cái mà cuộc sống hôm nay đang cần thì mới có thể kéo khán giả đến rạp. Những tác phẩm cũ kỹ tuyên truyền hời hợt, thiếu sáng tạo không bao giờ tồn tại lâu. Đây là bài học được nhìn ra rất sớm của giới sân khấu Việt Nam. Hà Nội là trung tâm văn hóa của các nước. Giới sân khấu Thủ đô không thể không nhìn ra vấn đề này.

Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị sân khấu công lập hướng tới dàn dựng những vở diễn, đề tài nghiêm túc, ẩn chứa những chủ đề chính trị, triết lý, nhân văn, nhân loại…Sân khấu tư nhân chủ yếu hướng về những đề tài giải trí, hài cười qua các chủ đề đời thường, tình yêu hoặc những xung đột gia đình vụn vặt… Dù theo hướng nào thì cả sân khấu công lập và tư nhân đều có khó khăn chung là vắng khán giả mua vé vào rạp.

Để khắc phục tình trạng này, cần có những kịch bản hay. Vì vậy, Hội Sân khấu Hà Nội nên đề xuất với các cấp có thẩm quyền xin tổ chức trại viết kịch bản sân khấu 2 lần /năm với chủ đề rõ ràng, xin kinh phí in sách các kịch bản tốt trong các trại viết để giới thiệu và phát hành đến các đơn vị nghệ thuật. Khen thưởng hàng năm Hội Sân khấu Hà Nội nên ưu tiên các tác phẩm về Hà Nội đương đại.

Vở rối "Thân phận nàng Kiều"

Vở rối "Thân phận nàng Kiều"

PGS.TS Trần Trí Trắc cũng chỉ ra rằng, những năm qua, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, thì sân khấu Hà Nội còn lảng tránh hiện thực đương thời, chưa nhập cuộc với cuộc sống đổi mới ở Thủ đô. Sân khấu Thủ đô đa phần vẫn hướng tới những đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, chiến tranh cách mạng, nước ngoài và dựng lại kịch bản cũ. Khán giả chỉ thấy nếp sống ngày xưa, đạo lý quá khứ bất biến và trang phục, tập quán của thời phong kiến, thời cách mạng xa vắng… Việc thể hiện các đề tài nói trên vẫn có nhiều giá trị nhân văn đối với nhân dân Thủ đô. Nhưng nếu sân khấu Hà Nội có thêm nhiều vở về cuộc sống hôm nay thì mới gắn với cuộc đời, gắn với khán giả hiện nay.

Về vấn đề này, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội thừa nhận, sân khấu Thủ đô năm nào cũng tổ chức những trại viết rất rôm rả nhưng vẫn đang rất thiếu những kịch bản có chất lượng về nghề nghiệp, tư tưởng, nội dung. Cái khó hiện nay là khi dấn thân vào đề tài hiện đại, người viết phải có kiến thức về đời sống, xã hội, con người ở lĩnh vực chuyên môn mà họ muốn chạm tới. Nhưng, hầu như các tác giả chỉ đi vào những vấn đề chung với những kiến thức chung chung.

Chưa kể, khi khâu kịch bản đã trót lọt thì tác phẩm chưa chắc đã được chọn để dựng vở. Điều này tác động không nhỏ đến việc viết của tác giả kịch bản. Họ chọn viết như thế nào để hợp thời, được dựng chứ không hẳn là họ chăm chút, viết ra những vấn đề đau đáu của con tim, của sự cao đẹp, với tinh thần nhân văn, nhân bản vì con người… Trong khi đó, nghệ thuật sân khấu là đưa những vấn đề của đời sống qua hình thức biểu đạt của sân khấu, tác động trực tiếp đến con người. Nếu đưa lên sân khấu một vấn đề nửa vời, một cách tiếp cận khô cứng, công thức, sáo mòn…, thì sân khấu vắng khán giả là đương nhiên.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu. Trước hết là tư duy về những vấn đề liên quan đến kịch bản và phải biết chọn lọc, thẩm định được những người viết có khả năng để đầu tư, bồi dưỡng. Mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật nên chú trọng tạo dựng riêng cho mình một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi của mình để đầu tư và sinh lời…. Các đơn vị hãy đối xử bình đẳng với một kịch bản, không phân biệt của tác giả tên tuổi hay mới vào nghề, bởi tiêu chí cao nhất là kịch bản hay.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/vi-sao-san-khau-thieu-tac-pham-ve-doi-song-ha-noi-duong-dai-617795/