Sân khấu Thủ đô vẫn chờ ngày sáng đèn
Trong thời gian chờ ngày mở cửa, các nghệ sĩ, diễn viên của các Nhà hát trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng đã sẵn sàng tâm lý lên sân khấu biểu diễn.
Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định cho phép mở cửa các rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội… từ ngày 10/2, tuy nhiên, khác với không khí sôi động ở các rạp chiếu phim, đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà hát vẫn chưa thể mở cửa trở lại để đón khán giả vì tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Khán giả vẫn còn e ngại
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, kể từ sau quyết định của UBND thành phố Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam khởi động lại chương trình biểu diễn xiếc truyền thống vào sáng chủ nhật tại Rạp xiếc Trung ương. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể triển khai vì nhiều nghệ sĩ, diễn viên mắc COVID-19. Thậm chí khi khỏi bệnh, sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng bởi di chứng hậu COVID-19.
“Các nghệ sĩ phải đảm bảo sức khỏe để diễn. Nghề xiếc cần dùng sức nhiều, và họ cần thời gian để lấy lại được trạng thái thể chất tốt nhất”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, theo NSND Tống Toàn Thắng, buổi biểu diễn có được diễn ra hay không, phụ thuộc vào việc khán giả có sẵn sàng đến rạp hay không. Rạp xiếc Trung ương có triển khai bán vé online nhưng lượng mua rất chậm. NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, thời điểm này, nếu dùng chiến lược phát vé, tặng vé, khán giả cũng chưa chắc đã đi vì dịch bệnh đang bùng phát.
“Lượng khán giả đến rạp quá ít thì không đủ chi phí. Thật ra lúc này, chúng tôi cũng không nghĩ nhiều đến doanh thu, mà làm sao để duy trì được các tiết mục, diễn viên được làm nghề. 2 năm qua, nguồn tài chính của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã rất cạn kiệt, nếu không có hỗ trợ của Nhà nước hay Bộ VHTT&DL thì chúng tôi cũng không đủ điều kiện để duy trì. Rạp xiếc có 1.300 chỗ, thì chỉ 300 khán giả đến thôi cũng đã là may mắn lắm rồi”, NSND Tống Toàn Thắng nói.
Cũng giống như Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã có kế hoạch mở cửa từ giữa tháng 2, nhưng liên tục phải dời lịch. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc - Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, Nhà hát dự định mở cửa trở lại vào ngày 4/3 với vở diễn “Cái ao làng”.
NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho rằng, khả năng khán giả đến rạp không cao vì còn tâm lý e ngại. Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị diễn cho thanh thiếu nhi, các em bây giờ đến trường còn khó khăn thì đến Rạp hát còn khó khăn hơn.
“Chúng tôi triển khai bán vé online với công suất 30% rạp. Ghế ngồi được giãn cách, khán giả có thể tự chọn ghế ngồi phù hợp. Ghế giãn cách không bán sẽ được đánh dấu “X” trên bảng online. Thời điểm này, nếu bán không đủ vé, buổi biểu diễn vẫn diễn ra. Chúng tôi mở cửa để duy trì hoạt động, phù hợp với diễn biến chung của toàn xã hội, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. Nhưng tâm lý e ngại của khán giả vẫn còn đâu đó. Để Nhà hát hoạt động tốt phải cần thêm chút thời gian”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nói.
Quyết tâm kéo khán giả đến với nhà hát
Trong thời gian chờ ngày mở cửa, các nghệ sĩ, diễn viên của các nhà hát ở Thủ đô Hà Nội cũng đã sẵn sàng tâm lý lên sân khấu biểu diễn.
NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho biết: “Việc luyện tập của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ diễn ra rất thuận lợi. Trong quá trình luyện tập cho các vở diễn, các nghệ sĩ luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đề phòng lây bệnh cho nhau. Nghệ sĩ nói chung tâm lý muốn làm việc cũng lên cao lắm rồi. Sau thời gian dài không được lên sân khấu, tâm lý của các nghệ sĩ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Buổi diễn cuối cùng ở Nhà hát là vào tháng 12 năm ngoái. Cả năm 2021 số lượng buổi diễn ít, chỉ mấy chục buổi thôi. Vì thế, tin các nhà hát tại Hà Nội được phép mở cửa đón khách đã mang đến cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ sân khấu Thủ đô, khởi đầu một năm mới đầy hứa hẹn của sân khấu sau 2 năm lặng lẽ vì dịch bệnh”.
Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, nhà hát chuẩn bị tới 3 chương trình đặc sắc để đón khán giả từ cuối tháng 2. Đó là vở “Làng song sinh” (tác giả Xuân Đức, đạo diễn Trung Hiếu), vở “Kiều - một kiếp đoạn trường” (NSND Tuấn Hải đạo diễn) và một loạt chương trình hài kịch.
Trong đó, vở “Kiều - một kiếp đoạn trường” chỉ vừa dựng trước Tết Nguyên đán, là tác phẩm tâm huyết của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội.
Vở “Làng song sinh” là vở gặt hái nhiều thành công về nghệ thuật của Nhà hát Kịch Hà Nội trong năm 2021 khi đoạt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc, được cả Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Sân khấu Việt Nam trao giải thưởng Vở diễn xuất sắc nhất năm 2021.
NSND Trung Hiếu cho biết, ngoài chuẩn bị về mặt nội dung nghệ thuật, về cơ sở vật chất, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã chỉnh trang lại rạp, các thiết bị âm thanh, ánh sáng, phun khử khuẩn, thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ nhà hát cũng như khán giả. Nhà hát Kịch Hà Nội kết hợp bán vé online và trực tiếp.
“Thật ra mở cửa vào thời điểm này chắc chắn sẽ khó khăn vì tâm lý khán giả vẫn còn e dè. Số lượng khán giả đến Rạp ít quá thì sẽ không đủ chi phí, nhưng chúng tôi vẫn cứ động viên nhau, khán giả tới đã là niềm vui rồi. Kể cả doanh thu có hơi thấp một chút thì vẫn diễn để tạo thói quen cho khán giả tới rạp. Nhà hát Kịch Hà Nội có 500 chỗ ngồi thì có thể chỉ được 1/3 thôi, khoảng 150 người. Số lượng khán giả tuy ít nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm kéo khán giả tới với nhà hát”, NSND Trung Hiếu nói.
Chia sẻ về tâm lý của các nghệ sĩ khi sắp được biểu diễn trở lại, NSND Trung Hiếu cho biết: “Mọi người rất phấn khởi và nhiệt tình tập luyện vì điều quan trọng với nghệ sĩ là được biểu diễn, mà lại có khán giả nữa thì tuyệt vời. 2 năm vừa qua chúng tôi chủ yếu tham gia các chương trình, sự kiện trực tuyến và ghi hình không có khán giả. Thực sự sân khấu mà không có khán giả thì đó là một điều rất buồn. Điều đặc biệt của nghệ thuật sân khấu là nghệ sĩ được tương tác trực tiếp với khán giả, như thế thì mới bay bổng, hưng phấn. Nếu không có khán giả thì những thăng hoa trong nghề sẽ bị mất đi nhiều. Mong rằng năm 2022, mọi thứ sẽ được trở lại bình thường và khởi sắc, để nghệ sĩ có thể được sống với niềm yêu thích và đam mê cháy bỏng với nghề”.
Trước đó, tối 19/2, Nhà hát Múa rối Thăng Long là Nhà hát đầu tiên ở Hà Nội mở cửa đón khán giả sau quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Đêm diễn giới thiệu nhiều tiết mục đặc sắc và hấp dẫn về múa rối nước truyền thống - chương trình nghệ thuật được rất nhiều khán giả trong nước và quốc tế yêu thích trong nhiều năm qua. Nhà hát Múa rối Thăng Long sẽ duy trì biểu diễn chương trình múa rối nước truyền thống vào tối thứ bảy hàng tuần. Nhà hát đang mở hệ thống bán vé trực tiếp tại địa chỉ biểu diễn và qua điện thoại, email.
Ngoài ra, nhà hát vẫn tổ chức các chương trình múa rối nước và múa rối tạp kỹ phục vụ các đơn vị, tổ chức, đối tượng thiếu nhi theo yêu cầu. Các chương trình đều được bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Sự trở lại của sân khấu Nhà hát Múa rối Thăng Long là tín hiệu vui, bù đắp những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ lãnh đạo và diễn viên Nhà hát sau những chuỗi ngày vắng bóng vì COVID-19./.