Sân khấu tỉnh lẻ: Cái khó bó cái khôn

Nhiều năm trở lại đây, nghệ sĩ sân khấu cả nước đứng trước câu hỏi nan giải: Làm thế nào để sống và giữ nghề? Câu trả lời không dễ.

Các nghệ sĩ kịch của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tập vở mới

Các nghệ sĩ kịch của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tập vở mới

Đã có những sân khấu nổi tiếng phải đóng cửa và câu chuyện nghệ sĩ bươn chải mưu sinh để bám trụ với nghề cũng không còn là mới. Với những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật ở địa phương lại càng khó khăn hơn.

Khó đủ bề

Nghệ sĩ Ưu tú Minh Phương, Trưởng Đoàn ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, người vốn trưởng thành từ Nhà hát Chèo Hải Dương thừa nhận: "Nghệ sĩ sân khấu ở địa phương còn đối mặt với nhiều thiếu thốn, ít có cơ hội tham gia sàn diễn chuyên nghiệp, lượng khán giả thực sự yêu mến nghệ thuật cũng không nhiều…".

Lâu nay, khán giả Việt vẫn giữ thói quen thích “xài chùa”, họ có thể bỏ ra vài triệu để mua một cặp vé xem ca nhạc giải trí nhưng lại tiếc vài đồng để mua vé xem chèo, tuồng... Thực trạng này càng rõ ràng ở các địa phương.

Tỉnh ta hiện có 2 đoàn biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là Nhà hát Chèo và Đoàn nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Các buổi biểu diễn ở 2 đoàn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn miễn phí cho bà con nhân dân ở địa phương, một số là hợp đồng tuyên truyền…

Cũng như các đoàn nghệ thuật khác, nghệ sĩ của 2 đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn chung như thu nhập không đủ sống, đa phần các nghệ sĩ đều phải chạy sô, làm nghề tay trái.

Nghệ sĩ Thu Mai, xuất thân từ Đoàn kịch Hải Hưng, nay thuộc Đoàn ca múa kịch của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh chia sẻ, chị vào nghề đã được gần 20 năm nhưng đến nay vẫn phải đi dạy thêm năng khiếu cho các trường, kiếm thêm thu nhập. Các nghệ sĩ trẻ mới vào nghề còn khó khăn hơn nên đều phải đa năng.

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thái, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh cũng từng buồn phiền vì học trò của ông có người phải đi hát, người làm MC đám cưới…

Thực tế, không phải bây giờ kịch mới khó khăn, khoảng chục năm trước, những vở kịch dài đã hầu như không có khách. Lãnh đạo đoàn kịch thời điểm ấy đã phải nghĩ ra cách biểu diễn ca, múa nhạc vào 30 phút đầu giờ để “câu khách”. Sau này, biểu diễn ca, múa, nhạc nghiễm nhiên trở thành nội dung chính. Hiện đoàn vẫn dựng các vở ngắn, thay vì các vở dài như trước đây.

Với Nhà hát Chèo, trước đây đoàn được dựng 2 vở nhưng sau này cả năm chỉ dựng 1 vở phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc để tham dự liên hoan. Cũng chỉ những dịp này, các đoàn mới có dịp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Mỗi nghệ sĩ đều có ước mơ về một sân khấu biểu diễn đạt chuẩn để được thăng hoa với nghề, nhưng với các nghệ sĩ ở địa phương thì ước mơ này còn khá xa xôi. Hiện cả Nhà hát Chèo tỉnh và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đều thiếu sân khấu biểu diễn, ngay cả sân khấu để duyệt vở.

Tại Nhà hát Chèo, mỗi lần tập luyện cho các vở quy mô lớn, đơn vị đều phải thuê bàn ghế, đạo cụ từ bên ngoài. Khi đi lưu diễn, sân khấu gần như phải phụ thuộc vào địa phương, nên để dựng một vở diễn có tầm thì hầu như không đáp ứng được.

Nghệ sĩ Thu Mai nhớ mãi kỷ niệm cùng đoàn đi lưu diễn ở Quảng Ninh. Trên đường đi, chiếc xe chở đoàn bị trục trặc. Thế là nửa đêm cả đoàn phải ngồi vạ vật vệ đường, chờ xe cứu hộ đến. “Phải thực sự có niềm đam mê, người nghệ sĩ mới có thể vượt qua những khó khăn ấy”, nghệ sĩ Thu Mai nói.

Thiếu lớp kế cận

Nhiều nghệ sĩ bảo nỗi lo lớn nhất là thiếu lớp kế cận. Một nghệ sĩ đứng trên sân khấu không phải dễ, đó là cả quá trình. Như gương mặt được đánh giá là triển vọng của Nhà hát Chèo tỉnh - nghệ sĩ Thái Quỳnh phải gần 20 năm làm nghề mới được giao một vai diễn dài.

Thái Quỳnh kể khi được giao vai chính trong vở “Chuyện tình Hàn Sĩ - Đào Nương”, chị gần như mất ăn, mất ngủ với cường độ tập luyện 3 buổi/ngày. Sức khỏe vốn yếu nhưng vì lo lắng không làm tròn vai nên tập ở cơ quan chưa đủ, chị Quỳnh còn phải thức đêm để luyện tập ở nhà.

Chính sự khổ luyện góp phần giúp chị giành được huy chương vàng cho vai diễn. Thế nhưng, với chế độ ít ỏi cùng với khán giả không mấy mặn mà với sân khấu hiện nay nên sân khấu đang dần vắng bóng một thế hệ kế cận.

Nhà hát Chèo tỉnh hiện có 50 người trong biên chế, 3 diễn viên hợp đồng và 3 năm nay không có chỉ tiêu tuyển thêm.

Ông Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo bộc bạch: Đó cũng là cái khó để chiêu dụ người tài, nhưng nếu có cho một lúc 5 chỉ tiêu thì cũng khó bởi tìm được người tài không phải dễ.

Chưa kể, những người có tài thực sự, nếu không vướng bận, họ sẽ tìm cách “bay đi” để có cơ hội làm nghệ thuật tốt hơn, chứ không mấy ai mặn mà với việc ở lại các đoàn địa phương.

Ngay như việc tuyển sinh ở Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, so với các chuyên ngành đào tạo khác thì việc tuyển học viên cho các lớp sân khấu cũng rất khó. Hiện trường có các lớp dạy biểu diễn chèo, hát văn, nhạc cụ dân tộc…

Học viên các lớp này còn được hưởng bồi dưỡng hằng tháng nhưng số lượng rất ít so với các ngành nghệ thuật đương đại khác.

Tỉnh ta đã quan tâm tới các nghệ sĩ bằng những cách thiết thực. Nhưng thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa, nhất là tạo điều kiện cho lớp nghệ sĩ trẻ có điều kiện cống hiến.

Để sân khấu nghệ thuật phát triển, cần lắm sự chung tay từ khán giả, bởi không phải chúng ta không có những vở diễn hay mà thiếu sự hưởng ứng từ công chúng.

HUYỀN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xem---nghe---doc/san-khau-tinh-le-cai-kho-bo-cai-khon-121658