Sân khấu TP HCM: Luôn tìm cách để 'hồi sinh', giữ khán giả
Sự ra đời của một số sân khấu mới, các sáng tạo mới trong những vở diễn gần đây đã khiến thị trường sân khấu TP HCM 'nóng' lên, nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.
Sôi động nhịp sống sân khấu
Mặc dù đã nhiều lần đứng ở ngưỡng cửa bấp bênh của sự thoái trào, nhưng kịch nói TP HCM luôn tìm được cách để “hồi sinh”, để phát triển tốt hơn, giữ được khán giả. Những năm vừa qua, mặc dù kinh tế có nhiều suy thoái, thị trường giải trí khá lao đao, nhưng người mộ điệu lại chứng kiến sự ra đời của một số sân khấu chất lượng, quy tụ dàn diễn viên gạo cội, nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Như mới đây nhất, tin vui cho người yêu thích kịch nói khu vực phía Nam là sự ra đời sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc tại quận 1, TP HCM.
Bên cạnh nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như NSND Kim Xuân, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Phi Phụng, nghệ sĩ Phương Dung, nghệ sĩ Thiên Trang, NSƯT Mỹ Duyên..., Thiên Đăng còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trẻ, đầy tài năng và tâm huyết với kịch nói. “Sân khấu Thiên Đăng hoạt động dựa trên tôn chỉ nghệ thuật phụng sự khán giả, mang tới những vở diễn cân bằng giữa hai yếu tố nghệ thuật và giải trí. Tên sân khấu được đặt là Thiên Đăng (Đèn Trời) nhưng đó cũng là ngọn đèn sân khấu bởi vì với người nghệ sĩ thì sân khấu là Đạo Trời, là Đạo Làm Người, là lẽ sống mà họ phải hết lòng tận tụy phụng sự”, đây là những lời tự giới thiệu được sân khấu Thiên Đăng chia sẻ.
Trước đó, Nhà hát Thanh Niên (do ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM phối hợp thực hiện) cũng được coi là một “điểm sáng” cho thị trường sân khấu phía Nam. Sân khấu đặt mục tiêu hướng tới công chúng trẻ, áp dụng chính sách giảm 50% giá vé cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, đồng thời đặt mục tiêu dài hơi để đào tạo nghệ sĩ trẻ cho kịch miền Nam.
Còn có sân khấu “mới toanh” tại TP HCM - sân khấu Trương Hùng Minh, ra đời với sự hợp tác của nghệ sĩ Việt Hương với Trung tâm văn hóa Hòa Bình (quận 10, TP HCM). Sân khấu do nghệ sĩ Minh Nhí quản lý và điều hành, được xây dựng theo phong cách hiện đại với quy mô 400 chỗ ngồi. Ngoài việc dựng vở và trình diễn, sân khấu còn là nơi đào tạo các thế hệ diễn viên mới, đào tạo diễn viên nâng cao, góp phần cung cấp thêm dàn diễn viên trẻ tài năng cho thị trường sân khấu phía Nam.
Một số sân khấu khác cũng đã có những đổi mới đáng kể để thích ứng với thời cuộc, duy trì sáng đèn, như sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh ngưng diễn liên tục, tổ chức biểu diễn theo mùa đạt được hiệu quả tích cực, sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần phát triển mảng sân khấu kịch thiếu nhi bên cạnh việc duy trì ra mắt các vở diễn dành cho người lớn, nghệ sĩ Hồng Vân mở điểm diễn mới tại Nhà văn hóa Sinh viên...
Nhiều thể nghiệm mới
Bên cạnh sự ra đời các sân khấu mới, thị trường kịch nói TP HCM cũng chứng kiến nhiều sáng tạo, nhiều thể nghiệm từ các nghệ sĩ yêu nghề, dấn thân. Như sân khấu Thiên Đăng vừa mới khai trương đã “trình làng” vở diễn “Giáng Hương” nhằm tôn vinh và tri ân tác phẩm “Sân khấu về khuya” của soạn giả Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu).
Vừa qua, khán giả TP HCM cũng đã chứng kiến nhiều vở kịch thử nghiệm với nội dung, hình thức mới. Như vở kịch thể nghiệm "Mình nói chuyện mình" (tác giả, đạo diễn Đoàn Khoa) tại Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TP HCM. Tác phẩm kịch nói này được thể hiện mới lạ, phá vỡ các quy tắc thường thấy trong kịch nói và đáng mừng đã được khán giả đón nhận nhiệt liệt.
Nhà hát 5B Võ Văn Tần cũng là “điểm đến của sự thể nghiệm”. Các vở diễn thể nghiệm như “Chuyện tình nữ phạm nhân”, “Công lý như mặt trời”… đã khiến sân khấu “cháy vé”, nhận được sự yêu thích cho khán giả. Kịch thể nghiệm sẽ tiếp tục là con đường mà Nhà hát 5B Võ Văn Tần lựa chọn cho thời gian sắp tới.
Cách đây vài tháng, 3 suất diễn của vở kịch thể nghiệm “Biết thì nói, không thì bói” của Trà Nguyễn đã đem đến một “làn gió lạ” cho kịch nói Sài Gòn. Mỗi suất diễn chỉ đón 50 khán giả, với 5 nghệ sĩ tham gia: nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa đương đại Lê Mai Anh, diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh, nghệ sĩ chuyển động và thị giác Đạt Nguyễn, nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và diễn viên Trần Thiên Tú. Không có câu chuyện nào được kể thành lời, không xung đột, không cao trào, rất chậm, rất lặng yên nhưng lại rất thu hút, đó là cảm nhận của nhiều khán giả sau khi xem kịch.
Cũng trong năm nay, sân khấu TP HCM đã đón nhận một loại hình kịch mới: kịch phi lý do nghệ sĩ Chinh Ba thực hiện. Vở diễn mang tên "Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn" cũng được khán giả TP HCM đón nhận nhiệt tình.
Sự ra đời của những sân khấu mới, sự xuất hiện của những thể loại kịch mới mẻ, giàu tính thể nghiệm là tín hiệu vui cho ngành sân khấu phía Nam. Điều này không đến từ sự may mắn, mà là cả một quá trình dài nỗ lực không ngừng nghỉ, không bỏ cuộc của những nghệ sĩ yêu nghề, đầy nhiệt huyết. Và sự nồng nhiệt đón nhận của khán giả chính là phần thưởng lớn lao nhất cho các nghệ sĩ ấy. Sân khấu phương Nam đã, đang và sẽ luôn luôn sáng đèn, bởi trái tim của người yêu sân khấu vẫn còn thắp lửa.