Sân khấu Việt Nam đang thiếu.... thanh xuân
Nhận xét về nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, nghệ sĩ trẻ tài năng của nghệ thuật sân khấu đã ngày một ít đi, yếu đi. Vì vậy, nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay đang thiếu thanh xuân, tươi trẻ, khó lôi kéo khán giả đến với mình bằng 'hoa thơm', 'quả ngọt' của mình.
Tọa đàm “Nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu hôm nay” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, vừa diễn ra tại Thủ đô. Bên cạnh việc khẳng định vai trò của nghệ sĩ trẻ trong biểu diễn trên sân khấu, đánh giá về thực trạng đội ngũ nhân lực trẻ trong ngành, các ý kiến tham luận tại tọa đàm cũng đã đề cập tới nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của nghệ sĩ trẻ trong biểu diễn sân khấu.
Theo TS. Cao Ngọc, sân khấu muốn tồn tại và phát triển, vai trò của các nghệ sĩ trẻ là rất quan trọng. Nghệ nhân xưa truyền tụng câu nhắc nhở “thầy già, con hát trẻ”, tức là, sân khấu biểu diễn phải là nơi dành cho người trẻ mới cuốn hút và hấp dẫn người xem.
Thế nhưng, tiếc là, sân khấu hiện nay lại đang rơi vào tình trạng thiếu nghệ sĩ trẻ tài năng. Chứng minh cho hiện tượng "tre già, măng chưa mọc", PGS.TS Trần Trí Trắc đã lấy dẫn chứng tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc năm 2023. Tại đây có 73 diễn viên tham gia của 14 đơn vị với 63 trích đoạn mà kết quả chỉ có 17 nghệ sĩ đạt giải Nhất, hoặc cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói chỉ có 7 giải Nhất, Múa rối có 2 giải Nhất, Cải lương có 7 giải Nhất… "Số trẻ tài năng đó, so với toàn bộ lực lượng nghệ sĩ của cả nước thì quá ít"-PGS.TS Trần Trí Trắc nói.
Khi nhìn vào chất lượng đội ngũ nhân lực trẻ hiện nay, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội không khỏi bùi ngùi: “Sân khấu đang phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Có rất nhiều trường hợp như: diễn viên kịch hát dân tộc đã không còn biết cách để đọc bản cổ nhạc Hò - Xự - Xang… mà chỉ biết đọc theo hệ thống nhạc Đồ Rê Mi; đa số diễn viên trẻ không thuộc hết hệ thống các làn điệu chèo cổ...
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, lớp trẻ bây giờ không thể hát được như các thế hệ trước vì nhiều lý do như: Vừa ngại khó, vừa có phần không thực sự coi trọng lối hát cổ, kinh điển và mẫu mực, cách hát phải dùng đến cụm từ “tận thổ can tràng”. Cũng bởi thế nên tự thân họ đã làm mất mát đi cái tinh túy của nghề.
Lý do sân khấu thiếu nghệ sĩ trẻ và yếu về chất lượng đã được các đại biểu phân tích nguyên nhân. Trước hết là do lớp trẻ có năng khiếu nghệ thuật biểu diễn đã không đam mê với nghệ thuật biểu diễn, đã không nộp hồ sơ dự thi vào các trường đào tạo chuyên nghiệp nữa, và, không ít nghệ sĩ tài năng sân khấu, sau khi ra trường đã từ biệt nghề tổ để sang nghề khác kiếm sống, mưu sinh theo đòi hỏi của cơ chế thị trường. Và vì sân khấu bị tối đèn, vắng khán giả, tình yêu và đam mê không nuôi dưỡng được nhu cầu đời thường của nghệ sĩ trẻ cần phải có.
Nghệ sĩ Vương Khanh (Nhà hát Cải lương Hà Nội) tiết lộ, các kép chính của nhà hát ngoài giờ biểu diễn còn chạy thêm xe ôm kiếm thu nhập. Khi có lệnh triệu tập về dựng vở, các em lại tất tả bỏ lại các công việc kiếm sống để trở về với sàn diễn.
Để tháo gỡ vướng mắc, tạo sức hút với lực lượng trẻ, nhiều ý kiến tham luận tại tọa đàm đã đề cập tới các giải phá. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với nghệ sĩ trẻ biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống để thu hút tài năng và giúp họ có thể sống được bằng nghề; cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Các nhà hát cũng cần chủ động thay đổi cách thức quản lý, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, xây dựng những kịch bản, nhân vật phù hợp với nghệ sĩ trẻ được thể hiện “cái riêng”, “cái mới”… để vừa tăng cường nguồn thu cũng như sự gắn bó của diễn viên trẻ với đơn vị.
Tác giả Phạm Ngọc Dương cho rằng, nghệ sĩ trẻ mang trong mình một sứ mệnh lịch sử đó là, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền sân khấu nước nhà. Đối với các nghệ sĩ trẻ thì cơ hội được làm là vô cùng quan trọng. Các em dù có năng khiếu đến đâu mà không được tạo điều kiện thì tài năng ấy dần dần cũng bị thui chột. Điều này phụ thuộc khá nhiều vào cách nhìn cũng như quan điểm của những nhà quản lý cần phải có lòng tin và tạo nhiều cơ hội hơn cho hơn cho nghệ sĩ trẻ.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để có được lòng tin của các nhà quản lý thì nghệ sĩ trẻ cũng phải biết trau dồi nghề nghiệp, luôn có tinh thần học hỏi, trạng bị đầy đủ hành trong cho mình, chờ cơ hội để tỏa sáng”, tác giả Phạm Ngọc Dương khẳng định.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/san-khau-viet-nam-dang-thieu-thanh-xuan-post561645.antd