Sản lượng gạo toàn cầu dự báo sẽ tăng 11% trong 10 năm tới

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sản lượng gạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng 11% trong 10 năm tới, đạt 587 triệu tấn vào năm 2033.

Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới vào năm 2033. Ảnh: Mint/Congthuong

Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới vào năm 2033. Ảnh: Mint/Congthuong

Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp của OECD-FAO giai đoạn 2024-2033 vừa được công bố cho biết mức tăng sản lượng gạo toàn cầu so với mức hiện tại dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi sự gia tăng năng suất.

“Việc mở rộng sản xuất ở các nước châu Á, nơi chiếm phần lớn sản lượng gạo toàn cầu, dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ”, báo cáo nêu rõ.

Theo FAO, tăng trưởng mạnh nhất dự kiến sẽ là Ấn Độ, với dự báo sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới vào năm 2033. Trung Quốc dự kiến đứng thứ hai, tiếp theo là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Về xuất khẩu, xuất khẩu gạo từ Nam Á và Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,8% trong thập kỷ tới, giúp thị phần của khu vực này trong xuất khẩu gạo toàn cầu tăng lên 86%.

Đáng chú ý, Campuchia và Myanmar “dự kiến sẽ ghi nhận sự mở rộng xuất khẩu mạnh mẽ, với tổng lượng xuất khẩu gạo của hai nước tăng 146% từ 4,3 triệu tấn trong giai đoạn cơ sở lên 10,5 triệu tấn vào năm 2033, với kỳ vọng rằng nguồn cung có thể xuất khẩu lớn sẽ cho phép các nước này chiếm được thị phần lớn hơn ở thị trường châu Á và châu Phi”.

Về giá cả, báo cáo của FAO cho biết giá lúa mì và giá ngô toàn cầu đã tiếp tục giảm trong năm ngoái sau khi đạt mức cao gần kỷ lục và kỷ lục vào năm 2022 khi xung đột xảy ra ở Ukraine.

Ngược lại, thị trường gạo toàn cầu năm 2023 chứng kiến nhiều hỗn loạn, với giá gạo quốc tế tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm. Sự tăng giá này được thúc đẩy bởi những lo ngại về tác động bất lợi của El Nino đến sản xuất và do Ấn Độ tăng cường hạn chế xuất khẩu hồi tháng 7 và tháng 8/2023.

Kể từ đó, đà tăng giá hơn nữa đã được ngăn chặn bởi các dấu hiệu cho thấy tác động thực tế của El Nino đối với sản xuất gạo toàn cầu ít nghiêm trọng hơn dự kiến. Đồng thời, Ấn Độ cũng đã phê duyệt các ngoại lệ lớn đối với các hạn chế xuất khẩu, kết hợp với sự tăng cường xuất khẩu của các nhà sản xuất khác, khiến đà tăng giá gạo chững lại.

“Tuy nhiên, phản ánh những bất ổn kéo dài xung quanh các chính sách thương mại và điều kiện thời tiết, vào tháng 3/2024, giá gạo quốc tế vẫn ở mức cao và cao hơn khoảng 14% so với mức của năm trước”, báo cáo nêu rõ.

Theo OECD, “vai trò xuất khẩu gạo ngày càng quan trọng” của Campuchia và Myanmar - cùng với Pakistan, đã thể hiện phản ứng của các nước trước các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ vào năm ngoái.

Báo cáo cho biết “những hạn chế này được cho là sẽ được duy trì trong suốt thời kỳ dự báo, nhưng tác động của chúng sẽ giảm bớt một phần nhờ các ngoại lệ được Chính phủ Ấn Độ phê duyệt kể từ khi ban hành vì lý do an ninh lương thực”.

Báo cáo chung của OECD-FAO ghi nhận “một phần đáng kể” thương mại hàng hóa nông nghiệp của Nam Á và Đông Nam Á đang diễn ra trong khu vực. Tuy nhiên, “sự gián đoạn đối với các tuyến đường vận chuyển chính như mực nước hạn chế ở kênh đào Panama, kết hợp với xung đột ở Biển Đỏ, đang ảnh hưởng đến việc vận chuyển qua kênh đào Suez được xem là một rủi ro lớn”.

“Trong khi xung đột vẫn còn, hoạt động thương mại từ Đông Nam Á đến châu Âu và Bắc Phi sẽ phải chuyển hướng khỏi kênh đào Suez, làm tăng thêm thời gian và chi phí vận chuyển, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng”, FAO cảnh báo.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Estatedia)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/san-luong-gao-toan-cau-du-bao-se-tang-11-trong-10-nam-toi-142751.html