Sản lượng giảm, giá cà phê dự báo sẽ tiếp tục tăng cao
Dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống mức khoảng 1,6-1,7 triệu tấn, so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022-2023.
Sau thời gian 3 năm bị ảnh hưởng Covid-19, ngày 5/12, Hội nghị Quốc tế cà phê châu Á (Coffee Outlook) lần thứ 27 được tổ chức trở lại tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 150 đại biểu từ Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO), Hiệp hội cà phê các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê của Việt Nam, cũng như quốc tế.
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, kết nối thông tin chia sẻ và cập nhật hiện trạng sản xuất - xu hướng mới nhất về thị trường cà phê, tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng của các thị trường cà phê Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Australia…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) Việt Nam đánh giá, niên vụ cà phê 2022-2023 là một niên vụ khó khăn, thách thức đối với người nông dân và các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 sụt giảm do môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu không có lợi cho niềm tin của người tiêu dùng, lạm phát tăng kết hợp với lãi suất tăng cao ở nhiều nền kinh tế chủ chốt, làm tăng chi phí sinh hoạt, do đó làm giảm mức thu nhập khả dụng trong thời gian dài đối với phần lớn các nước trên thế giới.
Mặc dù vậy, niên vụ cà phê 2022-2023 cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO), tổng sản lượng cà phê niên vụ 2022-2023 trên toàn thế giới đạt 171,3 triệu bao, tăng 1,7% so với niên vụ năm 2021-2022.
Dự báo về niên vụ cà phê 2023-2024, ông Nguyễn Nam Hải cho biết, hiện niên vụ cà phê mới đã trải qua được 2 tháng và được dự báo tiếp tục là một niên vụ đầy khó khăn và thách thức đối với ngành cà phê thế giới. Biến đổi khí hậu với những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cà phê toàn cầu, năng suất, sản lượng và chất lượng giảm.
Việt Nam đang trong mùa vụ thu hoạch của niên vụ mới và đã thu hoạch ước khoảng trên dưới 50% sản lượng cà phê cả nước. Một số vùng thu hoạch muộn do thời tiết mưa nhiều, dự kiến sản lượng giảm nhiều so với dự kiến.
“Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chuyển đổi cây trồng khi giá cả phê những năm qua ở mức quá thấp, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 giảm gần 13% so với cùng kỳ 2022. Khả năng cả năm 2023 xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ giảm gần 15%”, ông Nguyễn Nam Hải dự báo.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, Chủ tịch HĐQT Intimex Group cũng cho biết, năm 2023 là năm khá đặc biệt với ngành cà phê khi giá cà phê trong nước và xuất khẩu liên tục tăng cao. Đặc biệt, có thời điểm giá cà phê trong nước tăng lên mức 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua.
Mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi cây trồng trước đó để trồng sầu riêng, trái cây… “Mỗi ha cà phê hiện mang về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, trong khi cây bơ mang về 1-1,5 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cà phê. Do đó, rất khó để giữ chân người nông dân ở lại với cây cà phê”, - ông Đỗ Hà Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê của Việt Nam hiện ở mức 700.000 ha, nhưng thực tế có thể chỉ còn trên 600.000 ha. Theo đó, trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống mức khoảng 1,6-1,7 triệu tấn, so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022-2023, và mức giá cà phê sẽ tiếp tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới. “Giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến tháng 4/2024 cho đến khi Indo, Brazil bước vào vụ thu hoạch mới”, ông Nam dự báo.
Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với ngành cà phê toàn cầu. Theo đó, ngay từ đầu niên vụ 2023-2024 ngành cà phê phải có kế hoạch hành động triển khai thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của Liên minh châu Âu. Việc triển khai từng bước các chương trình này là thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê toàn cầu đối với bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Bà Vanúsia Nogueira - Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho rằng, các nhà sản xuất cà phê của Việt Nam phải tuân thủ các quy định, luật lệ chung. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu cà phê vào châu Âu, nhất là trong bối cảnh các bên liên quan đều đang xem xét, thăm dò thị trường. Các nhà sản xuất cà phê phải thể hiện được trách nhiệm với môi trường, xã hội nếu họ muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Điều này rất quan trọng.
“Tôi nghĩ các nhà sản xuất cà phê ở Việt Nam đã và đang làm được điều này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần marketing để các nhà nhập khẩu biết đến nhiều hơn về điều này”, bà Vanúsia Nogueira nhấn mạnh.