Sản lượng trái cây ĐBSCL đạt hơn 3 triệu tấn
Nam Bộ là vùng trồng cây ăn trái trọng điểm của cả nước với diện tích khoảng 415.800 ha, sản lượng 4,3 triệu tấn. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 288.268 ha cây ăn trái, sản lượng đạt hơn 3 triệu tấn.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gần 300 ha mô hình cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 7.000 ha thanh long của tỉnh Bình Thuận được chứng nhận VietGap, góp phần quảng bá nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam.
Một số cây ăn trái được chứng nhận VietGAP như bưởi da xanh (Bến Tre), chôm chôm JaVa (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long), nhãn tiêu da bò (Tiền Giang, Bến Tre), quýt hồng (Đồng Tháp)… đang phát huy hiệu quả trong việc đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP ở nuớc ta nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn khá khiêm tốn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 0,14% diện tích được chứng nhận quy trình GAP, nhiều mô hình rất thành công, nhưng cũng có mô hình chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Để đẩy mạnh sản xuất cây ăn trái theo hướng GAP ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các địa phương trong vùng sẽ tăng cường hướng dẫn các cơ sở tổ chức lại sản xuất, thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật theo VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn.
Các cơ sở đã và đang thực hiện VietGAP hoặc GAP khác nhưng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sẽ được hỗ trợ, không để nông dân quay về cách làm cũ, đồng thời tích cực chủ động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Vấn đề quy hoạch các vùng trồng một loại cây ăn trái chủ lực tập trung để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và củng cố lại mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ cũng được các địa phương quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
VietGAP là chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, chỉ mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam, là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
GlobalGap là tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu. Tiêu chuẩn GlobalGap yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; giống cây trồng, vật nuôi được chọn cũng là giống sạch bệnh; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng.