Sản lượng xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh ước đạt 1,6 triệu tấn
Dù tỉ trọng xuất khẩu chiếm gần 50% thị trường toàn cầu, nhưng giới chuyên môn lo ngại, cá tra Việt Nam không còn 'một mình một chợ' bởi đang bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều thị trường và nguồn nguồn thực phẩm khác.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 1,6 triệu tấn, tương đương năm trước. Tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023.
Quý III/2024, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường nhập khẩu chính. Hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đưa xuất khẩu thủy sản trở về quỹ đạo tăng trưởng. Trong quí IV, các hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu sôi nổi, tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho các lễ hội sẽ là mùa cao điểm để xuất khẩu cá tra về đích.
Diện tích thả nuôi cá tra năm nay ước đạt gần 5.400 ha. Các địa phương tập trung nâng cao chất lượng giống; kiểm soát dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ mới nhằm giảm giá thành sản xuất; xử lý các rào cản kỹ thuật; kết nối, phát triển thị trường.
Dự kiến, đến cuối năm xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ đạt 2 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch sẽ không bằng với năm ngoái do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt cho hay, yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với ngành hàng này ngày càng khắt khe. "Hiện nay, sản phẩm này phải cạnh tranh gay gắt với các loại cá thịt trắng, như: Cá Alaska Pollock, Cod, Kake. Với sản phẩm cá tra, Việt Nam không còn cảnh “một mình, một chợ” mà phải chịu sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ nhiều quốc gia khác, như: Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Indonesia” - ông Tới chia sẻ.
Theo Cục Thủy sản, cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, còn các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh chiếm từ 15-21 %. Cục phân tích sản lượng cá tra Ấn Độ ngày càng tăng song kích cỡ cá rất nhỏ, chủ yếu cung cấp trong nước. Tương tự, Trung Quốc đã nuôi cá tra hơn 7 năm qua, duy trì sản lượng mỗi năm khoảng 1,4 triệu tấn, chủ yếu phục vụ trong nước. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là họ sẽ giảm nhập khẩu.
Riêng Indonesia, sản lượng không cao nhưng đã xuất khẩu sang thị trường Trung Đông với nhãn hàng riêng và đang tạo uy tín. Ngoài ra, cá tra cũng bị cạnh tranh bởi những loại cá thịt trắng khác như cá rô phi - chiếm 20% thị phần cá thịt trắng toàn cầu và cá tuyết.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VSEP), thị phần xuất khẩu cá tra năm nay đang có sự thay đổi so với năm 2023. Cụ thể, Trung Quốc chiếm 29%, giảm 2%, trong khi thị trường Mỹ từ 15% tăng lên 18%. Ngoài hai thị trường chính, nhóm thị trường nhỏ như Brazil, Nhật Bản, Colombia, Nga có tăng trưởng xuất khẩu khá ấn tượng.
VSEP nhận định, thị trường Nhật là khó tính đối với cá da trơn nước ngọt nhưng Việt Nam đang thành công với sản phẩm sasimi, một sản phẩm rất tiềm năng.
Để ngành xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, Cục Thủy sản khuyến cáo các doanh nghiệp cá tra nên nâng cao về chất lượng, tỷ lệ mạ băng (lớp nước đóng băng trên bề mặt sản phẩm), xây dựng thương hiệu để có giá bán phù hợp. Cục cho biết Thái Lan không ghi nhận trên bản đồ nuôi cá tra nhưng họ xuất khẩu sang Mỹ. Năm 2022, giá của Thái Lan chỉ bằng một nửa cá tra Việt Nam và hai năm sau lại ghi nhận giá cao gấp đôi.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp chú trọng vào phân khúc thị trường hồi giáo do tiêu thụ khá tốt, còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường khoảng 2,2 tỷ dân này thì các doanh nghiệp cần đạt các chứng nhận Halal.