Săn mật ong rừng

Hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch, các thành viên trong đội 'Ong rừng Tân Sơn' lại chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ rủ nhau lên rừng săn mật ong. Nghề săn mật ong rừng tuy nhiều gian nan, vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình nơi đây.

Đội “Ong rừng Tân Sơn” được thành lập từ năm 2020 với 5 thành viên, đến từ các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn. Trong đó, “đội trưởng” là Bùi Văn Thọ - sinh năm 1993, nhà tại khu Muỗi Bòng, xã Xuân Đài.

Các thành viên đội “Ong rừng Tân Sơn” thăm dò tổ ong trước khi lấy mật.

Các thành viên đội “Ong rừng Tân Sơn” thăm dò tổ ong trước khi lấy mật.

Thọ là thanh niên ưu tú của xã Xuân Đài, tham gia nhập ngũ từ năm 2012, xuất ngũ cuối năm 2014. Trong quá trình tham gia nghĩa vụ quân sự, Thọ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau khi xuất ngũ, chuyển sinh hoạt Đảng về khu Muỗi Bòng, Thọ là đảng viên trẻ năng động, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại khu dân cư như Bí thư Chi bộ kiêm Bí thư Chi đoàn và nay là đại biểu HĐND xã...

Trong quá trình tham gia công tác tại địa phương, nhận thấy với xuất phát điểm thấp, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, địa hình nhiều đồi núi dốc, thường xuyên bị chia cắt khi xảy ra mưa lũ nên khó khăn trong phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, khu Muỗi Bòng nói riêng, xã Xuân Đài nói chung lại có rừng già bao phủ, nếu biết tận dụng thì có thể khai thác được tiềm năng, lợi thế từ rừng.

Dụng cụ được sử dụng để trèo cây khi lấy mật.

Dụng cụ được sử dụng để trèo cây khi lấy mật.

Nghĩ là làm, Thọ thành lập đội “Ong rừng Tân Sơn”, săn tìm mật ong từ tự nhiên đồng thời góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Săn mật ong rừng là nghề nguy hiểm, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, kỹ năng.

Săn mật ong rừng là nghề nguy hiểm, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, kỹ năng.

Tuy nhiên, để lấy được mật ong rừng thì không phải ai cũng làm được bởi nghề này đòi hỏi những người tham gia phải có sức khỏe tốt, lòng gan dạ, trèo cây giỏi, có tinh thần đoàn kết trong nhóm. Hành trình thu được những lít mật ong rừng nguyên chất từ rừng già, nhóm thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả, nguy hiểm như tìm ong, lấy tổ ong, vắt mật...

Ong khoái thường chọn làm tổ trên ngọn cây cao, vị trí hiểm trở.

Ong khoái thường chọn làm tổ trên ngọn cây cao, vị trí hiểm trở.

Hà Văn Toàn – thành viên trong đội “Ong rừng Tân Sơn” cho biết: “Để tìm được nơi ong làm tổ, chúng em thường đi theo các con suối ở trong rừng để quan sát đàn ong xuống lấy nước. Sau khi lấy nước nhìn theo hướng ong bay để tìm tổ của chúng. Những con ong già thường rất khôn ngoan, chúng bay vòng vèo để đánh lạc hướng, còn những con ong non sẽ bay thẳng về tổ nên sẽ dễ tìm hơn. Khi phát hiện tổ ong, chúng em sẽ nhìn vào cách ong bám vào tổ để biết thời gian lấy mật sao cho không để mật quá già hoặc quá non”.

Khi tổ có màu trắng, vít nắp thì mật đã chín già, có thể thu được.

Khi tổ có màu trắng, vít nắp thì mật đã chín già, có thể thu được.

Dụng cụ được mang theo khi đi lấy mật ong thường có: Quần áo bảo hộ, xô nhựa, một vài túi ni lông đựng mật, dao, bật lửa, dây thừng, búa và đinh... Tùy vào độ cao, kích thước của thân cây nơi đàn ong làm tổ mà thợ lấy mật dùng nhiều cách khác nhau để leo lên như: Đu dây cây sống, đóng móng vào thân cây hay làm thang vòng qua những gốc cây. Thông thường, mỗi lần đi lấy mật sẽ có từ 2 – 3 người hỗ trợ nhau. Trong đó, một người có nhiệm vụ trèo lên cây lấy mật, người còn lại sẽ ở bên dưới giúp vận chuyển các đồ dùng, dụng cụ hoặc đỡ đón khi mật được lấy xong.

Thành quả của đội sau một buổi đi săn mật ong rừng.

Thành quả của đội sau một buổi đi săn mật ong rừng.

Theo chia sẻ của các thành viên trong đội, có những tổ ong có bầu mật lớn, nặng khoảng vài chục kg thì cần 2 – 3 người thay nhau vác mật xuống núi. Vì đối với ong rừng, đặc biệt là ong khoái thì chủ yếu làm tổ ở những thân cây cao, ở sâu trong rừng, nơi có địa hình hiểm trở, ít người lui tới. Lúc này, cần các thành viên hỗ trợ lẫn nhau mới thuận lợi đưa được mật xuống núi.

Mật được lấy trong rừng già, địa hình hiểm trở, nơi có ít người đặt chân đến.

Mật được lấy trong rừng già, địa hình hiểm trở, nơi có ít người đặt chân đến.

Bên cạnh những yếu tố như địa hình hiểm trở, những nguy hiểm khi trèo lên cây cao, theo Bùi Văn Thọ, trong khi đi lấy mật ong rừng, thợ săn mật còn phải đối diện với sự tấn công của đàn ong. Nếu gặp đàn ong dữ, thợ săn mật có thể bị tấn công dồn dập và hứng mũi đốt chí mạng, nhất là khi tay đã đặt vào tổ ong, cơ thể dính mật lại càng thu hút đàn ong đuổi theo tấn công.

Mật ong rừng có chất lượng tốt, thơm ngon, sánh đặc, được nhiều người ưa chuộng.

Mật ong rừng có chất lượng tốt, thơm ngon, sánh đặc, được nhiều người ưa chuộng.

Vì vậy, trong quá trình đi lấy mật ong rừng, Thọ và các thành viên trong đội luôn tâm niệm: Mật ong là “lộc rừng”, vì vậy, người đi lấy mật cần phải có lương tâm, trách nhiệm và nguyên tắc hành nghề. Khai thác mật nhưng không tận diệt đàn ong, bởi tận thu gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái cũng chính là tận diệt nguồn sống của chính mình. Người thợ lấy mật nhìn những mảng sáp vàng óng để đánh giá lượng mật, tổ nhiều mật thì khai thác luôn, tổ mới làm, ít mật sẽ để dành khai thác sau. Khi lấy mật, tuyệt đối không được phá tổ, mở cho ong đường sống để tiếp tục sinh sôi, nảy nở, cho mật ngọt những mùa sau. Tôn trọng bầy ong cũng chính là cách tôn trọng nghề nghiệp của mình, có vậy mới vừa được thụ hưởng vừa bảo tồn tinh hoa quý giá của núi rừng.

Niềm vui của người thợ săn mật ong rừng.

Niềm vui của người thợ săn mật ong rừng.

Và có lẽ chính vì những tâm niệm đó mà Thọ và các thành viên trong đội cũng thường được may mắn khi đi lấy mật ong. Mỗi lần đi rừng, em và các thành viên trong đội đều săn được từ 1 đến 3, 4 tổ ong có mật. Tiền bán mật ong giúp em trang trải các chi phí trong gia đình, đồng thời phát triển kinh tế như nuôi thêm lợn, trâu... Từ đó, em cũng càng thêm yêu quý và trân trọng hơn những món quà từ rừng đem lại, quyết tâm giữ rừng, bảo vệ rừng, để những cánh rừng luôn mãi xanh tươi.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/san-mat-ong-rung-217942.htm