Sán não ở người nguy hiểm như thế nào?

Do thói quen ăn đồ sống hoặc tái nên người dân dễ có nguy cơ mắc sán não. Đây là bệnh liên quan ký sinh trùng nguy hiểm nhất lại thường bị nhầm với bệnh về thần kinh nên phần lớn phát hiện muộn, khi ấu trùng sán lợn đã gây tổn thương não.

Sán não do ăn tiết canh, gỏi cá, thịt lợn chưa được nấu chín

Nguyên nhân mắc bệnh sán não là do ăn phải ấu trùng sán dây lợn hoặc trâu, bò.

Quá trình gây bệnh của sán thông qua các loại thực phẩm bẩn, đặc biệt là do thói quen ăn tiết canh, gỏi cá, thịt chưa được nấu chín hoặc rau sống chưa được vệ sinh sạch sẽ. Ấu trùng sán trong thực phẩm xâm nhập vào đường ăn uống xuyên qua niêm mạc ruột vào hệ tuần hoàn và đến các cơ quan trong cơ thể thông thường khu trú dưới da, cơ hoặc mô não, mắt.

Cũng có thể ấu trùng sán di chuyển theo đường máu tới não, phổi, gan,... và gây bệnh. Nếu ấu trùng lên tá túc ở não sẽ gây bệnh.

Bệnh thường hay gặp ở khu vực có mức sống thấp, vệ sinh kém, đặc biệt là ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông.

Hình ảnh sán trong não.

Hình ảnh sán trong não.

Biểu hiện sán não

Triệu chứng lâm sàng sán não thường không có biểu hiện đặc biệt nếu sán chỉ khu trú ở dưới da hoặc trong cơ. Đôi khi được phát hiện tình cờ nhờ những nốt đóng vôi ở phần mềm trên phim chụp X-quang ngực hoặc tay chân. Đó là khi sán đã chết để lại di chứng.

Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ phụ thuộc vào số lượng kén sán có trong não. Biểu hiện thường gặp là: bệnh nhân bị nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ, mờ mắt, tăng áp lực sọ não, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, bệnh nhân có thể bị đột tử.

Hầu hết bệnh nhân nhiễm sán não có biểu hiện đau đầu kéo dài hoặc bị co giật, điều trị tại tuyến cơ sở nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không đỡ với chẩn đoán đau đầu, động kinh. Khi đi chụp cắt lớp, hình ảnh nang sán não dễ dàng được phát hiện bởi những nang lớn từ 0,5-1cm.

Các giai đoạn bệnh của sán não

Giai đoạn 1 không nang: Giai đoạn này, phôi của ký sinh trùng không thể thấy được trên CT- hay MRI. Tuy nhiên có thể thấy những vùng phù nhẹ. Trong vòng vài tháng, chúng sẽ tiến triển thành tổn thương khi phôi phát triển thành các nang đặc trưng cho bệnh.

Giai đoạn 2 nang dịch: Các nang có thành mờ, chứa dịch trong suốt và ký sinh trùng bên trong. Nếu các nang này còn nguyên vẹn thì sẽ không biểu hiện triệu chứng ở người bệnh
Giai đoạn 3 nang keo: Thành của nang dày lên, chất dịch bên trong đục hơn, người bệnh sẽ có phản ứng viêm dữ dội. Điều này cho thấy tình trạng bệnh bắt đầu xấu đi. Ở giai đoạn này có thể thấy hình ảnh các tổn thương phù nề trên X-quang. Người bệnh thường bị co giật.
Giai đoạn 4 nang hạt: Ở giai đoạn này, tình trạng phù nề đã giảm bớt, nhưng co giật và động kinh vẫn có thể xảy ra. Động kinh thường xảy ra trong giai đoạn nang keo và nang hạt do các vùng viêm bao quanh ký sinh trùng sắp chết.

Giai đoạn 5 canxi hóa: Xảy ra sau khi ký sinh trùng chết. Động kinh vẫn có thể xảy ra do tình trạng viêm xảy ra bởi phản ứng của hệ thống miễn dịch với xác của ký sinh trùng.

Điều trị sán não

Về điều trị, bệnh nhân bị sán não được sử dụng các loại thuốc đặc trị, chỉ hiệu quả đối với thể sán đang hoạt động và nên được thực hiện ở các tuyến chuyên khoa.

Trên thực tế, điều trị nhiễm ấu trùng sán phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của ấu trùng và các biến chứng của nó.

Nếu ký sinh trùng đã chết, cách tiếp cận như sau:

Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Thuốc chống co giật được sử dụng để điều trị động kinh.

Thời gian điều trị vẫn không xác định được.

Nếu ký sinh trùng còn sống hoặc đang hoạt động, các điều trị khác như sau:

Bệnh nhân viêm mạch, viêm màng nhện hoặc viêm não: Khuyến cáo một đợt điều trị steroid hoặc ức chế miễn dịch trước khi sử dụng thuốc đặc trị sán.

Điều trị ký sinh trùng với albendazole cũng rất hữu ích trong bệnh sán dải heo dạng nhiều nang (ví dụ nhiều nang trong bể não giống chùm nho – dạng "racemose").

Bệnh nhân có tổn thương trong nhu mô, dưới màng nhện, hoặc nang tủy sống và không có biến chứng (ví dụ, động kinh mạn tính, đau đầu, dấu thần kinh liên quan đến đột quỵ, não úng thủy): có thể điều trị đặc trị sán dải heo, với việc sử dụng đồng thời steroid.

Nhiều thử nghiệm điều trị đặc trị sán dải lợn có thể được yêu cầu cho nang dưới màng nhện khổng lồ.

Bệnh nhân động kinh do nang sán còn sống trong nhu mô não: điều trị chống ký sinh trùng.

Đối với thể di chứng nếu kèm theo biến chứng động kinh phải điều trị như đối với động kinh thông thường. Nếu sán gây tổn thương ở mắt phải điều trị theo các triệu chứng giảm phù nề, chèn ép đôi khi phải can thiệp phẫu thuật.

Bệnh sán não có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ và tử vong nếu như không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Phòng tránh bệnh sán não bằng cách thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn...

Phòng tránh bệnh sán não bằng cách thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn...

Lời khuyên thầy thuốc

Sán não là bệnh rất nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được bằng cách:

Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh lợn, lòng lợn, gỏi, thịt lợn tái... Không ăn thịt lợn gạo, không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần... mà phải nấu chín kỹ mới ăn;
Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
Vệ sinh môi trường sạch sẽ;
Xây nhà vệ sinh hợp vệ sinh, không đại tiện bừa bãi;
Không nuôi lợn thả rông...;
Dùng thuốc tẩy sán dây lợn khi đã bị nhiễm sán;
Khi có dấu hiệu đau đầu hoa mắt, chóng mặt thường xuyên nên đến cơ sở y tế để được khám và phát hiện điều trị bệnh kịp thời.

BS Nguyễn Phương Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/san-nao-o-nguoi-nguy-hiem-nhu-the-nao-169240818165710864.htm