Săn ốc Hoàng đế trên biển Tây

Là loài hải sản xuất hiện nhiều ở vùng biển phía Tây Tổ quốc, ốc Hoàng đế hay còn được gọi với tên dân dã ốc giác, ốc gáo... là sản vật gắn liền với đời sống của ngư dân suốt bao đời nay.

Loài ốc quý giá này xuất hiện nhiều ở các hòn đảo trên vịnh Thái Lan như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du… và là nguồn lợi mang đến sinh kế cho hàng ngàn ngư dân trong vùng biển nhỏ bé này.

Sinh kế dưới đáy đại dương
Mặc dù xuất hiện khá nhiều ở vùng biển phía Tây thuộc vịnh Thái Lan, nhưng để săn được ốc Hoàng đế hay bất cứ loài thủy sản tự nhiên có giá trị nào không đơn giản. Ngoài việc là người địa phương thông thạo địa hình, tập quán sinh hoạt của các loài thủy sản, ngư dân còn phải cần thêm một chút may mắn.

“Chúng tôi có cả thảy 6 người, bắt đầu từ sáng sớm giong ghe đi. Ngoài những bãi biển ở phía Bắc đảo Phú Quốc, nơi có rừng nguyên sinh Phú Quốc còn hoang sơ, nhiều ốc sinh sống, những người săn loài ốc này còn tìm tới những hòn đảo khác như hòn Một, hòn Thơm, hòn Ngón tay... ở quanh khu vực này. Cách thức săn ốc rất đơn giản và cổ xưa như từ nhiều năm qua, đó là lặn xuống các khu vực ven biển có nhiều đá, san hô, bãi trầm tích để tìm ốc. Khác với sò hay nghêu, ốc thường sinh sống đơn lẻ ở trong những khu vực rời rạc khác nhau khiến công việc săn tìm thường rất khó khăn” - anh Nguyễn Văn Thanh, 37 tuổi, một thợ lặn ốc Hoàng đế ở xã Gành Dầu (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) chia sẻ với chúng tôi.

Những thợ lặn ốc ở vùng biển Tây.

Những thợ lặn ốc ở vùng biển Tây.

Tuy nhiên, thực tế công việc của những thợ lặn như anh Thanh và nhóm bạn lại không đơn giản và dễ dàng như lời kể, hàng ngày họ phải vận dụng tất cả những gì có thể để đối mặt với cuộc mưu sinh. Đó không phải là cuộc mưu sinh bình thường bởi nó diễn ra ở sâu dưới đáy đại dương. “Ốc không có khả năng chạy trốn, nhưng bù lại chúng có khả năng ẩn náu đặc biệt, nhất là trong môi trường nước biển tầm nhìn hạn chế và độ sâu lớn. Nhiều khi chúng ở ngay trước mặt mà mình cũng không thể phân biệt được đâu là ốc, đâu là đá, đâu là trầm tích hay rong rêu, vì dưới đáy biển tất cả đều bất động. Hơn nữa, chỉ vài động tác nhỏ sơ ý thôi cũng làm môi trường nước vẩn đục khi đó gần như vô phương để tìm ốc” - anh Đào Văn Tiến, một thợ lặn ốc khác kể thêm.

Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà những thợ lặn ốc phải đối mặt, bởi trong thời gian ngồi nghỉ giải lao ăn cơm trưa ngay mũi Trâu Nằm của xã Bãi Thơm (huyện Phú Quốc), chúng tôi được những thợ lặn ốc này chia sẻ thêm nhiều chuyện thú vị. “Mặc dù biển ở vịnh Thái Lan hầu hết đều có độ sâu thấp, chừng 10 mét, nhưng nhiều nơi thềm đá chênh vênh, rất nguy hiểm. Nếu không quan sát, không có kinh nghiệm những tai nạn dưới đáy biển có thể nhấn chìm bất cứ ai, kể cả những thợ lặn lành nghề. Đó là chưa kể khu vực này có rất nhiều sinh vật biển nguy hiểm có khả năng sát thương.

Như tôi thông thạo vùng này từ nhỏ, vào nghề lặn đã hơn chục năm mà lâu lâu vẫn bị tai nạn, có khi phải ở nhà cả tháng trời. Bây giờ nguồn lợi tự nhiên ít đi khiến cho những thợ lặn phải săn tìm ở những nơi nguy hiểm và khó khăn hơn” - anh Tiến tiếp lời.
Cũng theo những người thợ lặn này, mặc dù ốc Hoàng đế là loài vật chính được săn tìm, nhưng trong các cuộc lặn nhiều loài ốc khác như ốc tỏi, ốc nhảy, ốc gai... ở dưới biển cũng được coi là sinh kế khác của những thợ lặn. Thậm chí như ốc gai có nhiều con cỡ lớn, nặng trên 1 ký giá trị khá lớn, lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi con. Đó là một “món hời” của những ngư dân vất vả bám mình mưu sinh dưới biển sâu.

Ốc Hoàng đế được thu mua ở cảng An Thới, Phú Quốc.

Ốc Hoàng đế được thu mua ở cảng An Thới, Phú Quốc.

Vui buồn đời ốcNếu lần đầu chứng kiến những người thợ lặn ốc làm việc, nhiều người không khỏi giật mình vì chỉ với những dụng cụ hết sức thô sơ: một ống thở dài chừng hơn chục mét nhỏ như 2 sợi dây điện, một thanh gậy soi đường có gắn đèn chiếu. Và người thợ lặn chìm dưới đáy đại dương im lìm sau khi lao đầu như mũi tên xuống mặt nước. Thật không thể nào hình dung nổi, những thợ lặn có thể ở dưới đáy biển với thời gian lên đến 15 hay thậm chí gần 30 phút. Thế nhưng, khi họ lên bờ, châm điếu thuốc hút vội và chỉ chú tâm vào những thành quả của mình, những chú ốc bóng nhẫy to như quả dừa non.

“Nghề lặn nhìn nguy hiểm nhưng chúng tôi quen rồi, thấy cũng bình thường. Ở vùng biển Tây, sóng gió êm đềm, đáy biển ổn định nên thợ lặn chỉ quan tâm đến việc tìm ốc mà thôi. Bình thường mỗi ngày nhóm chúng tôi cũng bắt được chừng 20 ký ốc, trong đó hai phần ba là ốc Hoàng đế, còn lại là các loại ốc tạp khác. Với giá bán ngay tại cảng xấp xỉ 100.000 đồng/ký, chúng tôi có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng mỗi ngày” - một thợ lặn khác tâm sự.

Theo những thợ lặn này, mặc dù nhìn mênh mông bất tận nhưng khu vực có thể lặn ốc cũng không nhiều, chủ yếu là khu vực mặt nước ven đất liền, các hòn đảo như Phú Quốc, Nam Du, hòn Tre, hòn Dầu... Ở những độ sâu quá lớn, công cụ thô sơ không thể nào tiếp cận được nên dù có nhiều ốc họ cũng chấp nhận bỏ qua. Cũng như hầu hết các nghề đánh bắt hải sản trên biển khác, nghề lặn ốc cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những khi biển động, sóng gió thường có nhiều ốc vì hệ sinh thái biển thay đổi, các sinh vật có xu hướng di chuyển nhiều, vừa để kiếm thức ăn và kiếm tìm những nơi êm đềm hơn. Và đó cũng chính là cơ hội, sinh kế của những ngư dân.

Theo một số chủ vựa thu mua ốc ở khu vực thị trấn An Thới, thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc), ốc có giá trị cao hơn nhiều loại hải sản tôm cá khác vì đây là thứ được nhiều du khách ưa chuộng. Không những vậy, như ốc Hoàng đế ngoài phần thịt ốc được chế biến thành nhiều món ăn thông dụng, vỏ ốc cũng là thứ có giá trị cao.

Trước kia, nhiều người dân dùng vỏ ốc làm gáo múc nước (nên gọi là ốc gáo) trong cuộc sống hàng ngày vì vỏ ốc to, dày lại bền đẹp. Khi lấy thịt ra, cắt khéo sẽ thành những chiếc gáo múc nước như vỏ dừa khô vậy. Còn ngày nay, chỉ cần làm sạch là nhiều vỏ ốc cỡ lớn cũng bán với giá vài chục hay vài trăm ngàn mỗi chiếc vỏ. Ngoài ra, vỏ ốc cũng được sử dụng làm đồ khảm, làm kỹ tranh, vật dụng trang trí...

Đó cũng chính là lý do giá của ốc thường cao hơn các loài thủy sản khác bởi chúng vừa ăn được thịt, vừa sử dụng được vỏ ốc. Cá biệt hơn, nhiều con ốc to, tuổi đời lớn còn có cả những viên ngọc bên trong. Dù không giá trị như ngọc trai, nhưng ngọc ở ốc vùng biển Phú Quốc xuất hiện khá nhiều, hầu như năm nào người ta cũng tìm thấy.

Nhìn những người thợ lặn lại lao mình xuống biển, săn tìm những sinh kế nhỏ nhoi trong làn nước biển trong xanh của hòn đảo Ngọc Phú Quốc, tôi khẽ thở dài. Với những ngư dân này, biển ẩn chứa muôn vàn bấp bênh, bất trắc dù biển vẫn ngày ngày đem đến cho họ những sinh kế trong cuộc sống.

Đoàn Xá

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/san-oc-hoang-de-tren-bien-tay-52423.html