Săn ong vò vẽ

Kinh nghiệm cùng với bộ trang phục bảo hộ tự chế đã giúp nhiều người dân ở huyện Cam Lộ mưu sinh bằng nghề săn tổ ong vò vẽ, loại côn trùng được mệnh danh là 'ong tử thần' để lấy nhộng ong. Nhộng ong có thân mềm, màu trắng ngà, nhiều chất dinh dưỡng nên được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tìm mua với mức giá khá cao, dao động từ 350.000 - 500.000 đồng/kg.

 Nhộng và ong non chứa nhiều chất dinh dưỡng, là đặc sản quý hiếm được nhiều người tìm mua với giá khá cao

Nhộng và ong non chứa nhiều chất dinh dưỡng, là đặc sản quý hiếm được nhiều người tìm mua với giá khá cao

Săn đặc sản núi rừng

Một ngày đầu tháng 8, theo đúng lời hẹn với những người thợ săn ong vò vẽ, chúng tôi có mặt ở bìa rừng thuộc xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ khi trời còn tờ mờ sáng để bắt đầu hành trình tìm nhộng. Sau khoảng hơn một giờ đồng hồ đi bộ băng qua cánh rừng tràm, vượt qua rất nhiều đồi dốc khúc khuỷu, anh Nguyễn Quảng, ở thôn Thiện Chánh, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, một người thợ lâu năm, dạn dày kinh nghiệm ra hiệu cho cả đoàn dừng lại. Theo hướng anh Quảng chỉ tay, ở bụi cây rậm phía trước có một tổ ong kích cỡ to chừng ba gang tay vừa được anh phát hiện. Giữa bốn bề là rừng núi, việc định vị tổ ong chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người đã có nhiều năm theo nghề. Anh Quảng chia sẻ: “Chỉ có đi giờ này mới dễ thấy được ong và đường bay của ong cũng ngắn hơn, dễ nhận biết vị trí tổ ong vò vẽ. Trễ hơn chút nữa, nắng lên cao là coi như “mò kim”. Loài ong này, khi về gần tổ thì tự động xếp cánh và rơi xuống rất nhanh, đồng thời lượng ong vào, ra tổ cũng khá nhiều nên dễ thấy”.

Cũng theo anh Quảng, loài ong vò vẽ thường làm tổ lộ thiên ở những vị trí thoáng mát, rất dễ nhìn thấy như trên cành cây hay bụi rậm, có khi làm tổ trong mái nhà. Tổ ong hình bầu dục, màu xám, là nơi nuôi dưỡng trứng và nhộng ong nên chúng rất quyết liệt trong việc bảo vệ tổ. Vào mùa thu, lá cây rụng đi, tổ ong vò vẽ sẽ lộ ra. Thời điểm này hầu hết ong vò vẽ đã chết, chỉ còn lại ong chúa ngủ đông và sống qua mùa đông. Loài ong vò vẽ làm tổ bằng phân gia súc và những mảnh nhỏ vỏ cây khô. Là thợ lâu năm, những người như anh Quảng sành đến mức chỉ cần nhìn thấy ong vò vẽ là đoán định tương đối chính xác kích cỡ tổ ong, ong càng lớn, thì tổ càng to và ngược lại.

Lấy ra từ ba lô bộ quần áo chuyên dụng, một đôi ủng cao su dày, 2 lớp bao tay bằng da chắc chắn và 1 chiếc mũ trùm kín đầu với phần mắt là tấm kính trong suốt, anh Quảng nhanh nhẹn mặc vào người rồi bảo chúng tôi lùi thật xa để tránh sự tấn công của bầy ong vò vẽ. Đôi tay thoăn thoắt, người thợ dùng rựa phát dọn đường để tiến vào, bầy ong nghe động liền bay ào ra xối xả đậu kín bộ áo quần bảo hộ của anh Quảng. Khi đã đến gần tổ ong, anh Quảng nhanh nhẹn chặt nguyên cành cây nhỏ mà tổ ong đang bám vào rồi chạy thật nhanh, những con ong vò vẽ đuổi theo anh một đoạn khá xa mới tản dần. Công đoạn chưa đầy 10 phút nhưng là cả một quy trình chuẩn bị công phu, đòi hỏi tính gan dạ và kinh nghiệm nằm lòng của người thợ. “Nếu không kĩ lưỡng, có thể nguy hiểm đến tính mạng vì nọc của ong vò vẽ rất độc”, anh Quảng cho biết.

Theo nhóm thợ săn, trước đây những người thợ thường đốt bùi nhùi rồi đuổi ong để lấy tổ. Tuy nhiên, cách này vừa nguy hiểm, vừa có thể gây cháy rừng do ong thường cư trú ở những vùng đồi thấp, cây cối rậm rạp dễ bắt lửa. Để đảm bảo an toàn cho ong mẹ, đồng thời giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng, thợ săn ong bắt đầu nghiên cứu, tự chế ra bộ trang bị bảo hộ đặc biệt. Từ khi sử dụng bộ bảo hộ tự chế này, người săn vừa giảm nguy cơ bị ong tấn công, vừa bảo vệ rừng và đặc biệt là vẫn duy trì sự sống cho đàn ong mẹ để loài ong vò vẽ có thể nhanh chóng tái tạo lại một tổ khác. Anh Nguyễn Trọng Nho, một người thợ đồng hành trong nhóm thợ săn cho biết, kinh nghiệm trong nghề nhưng kèm theo đó còn là vận may, có khi một ngày họ lấy được hàng chục tổ ong, nhưng cũng có ngày chỉ được vài tổ. Mùa ong làm tổ thường từ tháng 5 đến tháng 9. Cứ thế, họ đi khắp các cánh rừng, lần theo những cánh ong. Thợ săn ong vò vẽ chỉ chọn những tổ có kích thước đạt, tổ nhỏ sẽ để lại, chờ ong lớn rồi mới bắt. Do ong vò vẽ sinh trưởng khá nhanh, nhiều khi chỉ cần hơn một tháng sau khi bắt, đã có một tổ ong mới ngay gần vị trí tổ cũ hoặc ngay ở tổ cũ.

Thu nhập cao từ nghề Nghề săn tổ ong vò vẽ mang lại thu nhập khá cao đối với những người săn ong như anh Quảng, anh Nho. Tuy nhiên, gắn bó với nghề này, họ cũng đối mặt với khá nhiều hiểm nguy trên hành trình rong ruổi giữa rừng thiêng nước độc. Nhiều chuyến đi, họ gặp phải rắn, rết, nhiều khi sơ suất ong lọt được vào bên trong bộ đồ bảo hộ, thợ bị ong đốt nhiều mũi nhưng phải cố gắng chịu đau để lấy tổ. “Dù nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi chấp nhận và tự dặn mình phải cẩn thận khi vào rừng”, anh Nho tâm sự.

Một công đoạn cũng mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ để cho ra thành phẩm trước khi giao bán cho thương lái là việc tách tổ ong lấy nhộng. Tổ ong vò vẽ gồm nhiều tầng, trong đó tầng nhộng ong, ong non và ong già được để riêng ra từng loại. Những người thợ phải nhẹ nhàng xé lớp vỏ bọc ngoài tổ, sau đó khéo léo rũ để ong rơi xuống, những con ong mắc sâu lại thì phải cẩn thận kéo ra để nhộng, ong non không bị vỡ. Mất gần 2 giờ đồng hồ, nhóm thợ của anh Quảng mới gỡ xong 7 tổ ong vò vẽ, thành quả của một ngày săn trong rừng. Những con nhộng ong, ong non nung núc, trắng phau, được đưa vào rửa sạch, loại bỏ những mảnh vụn của tổ ong và để khô rồi bán cho các thương lái. Giá của loại đặc sản này được tính theo mùa và theo độ béo ngậy của nhộng. Thông thường, thương lái hay mua dạng hỗn hợp với giá khoảng 350.000 đồng/kg, có một số thương lái đổ buôn cho nhà hàng lớn, dân nhậu thích ăn đặc sản hoặc đại gia chuyên săn đồ rừng của hiếm sẽ có giá đắt hơn, khoảng 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, một ngày, nếu may mắn, người săn ong có thể thu về tiền triệu. “Những món ăn chế biến từ nhộng vừa ngon, vừa bổ dưỡng nên được khá nhiều người ưa chuộng. Hàng quán không đủ lượng nhộng ong để phục vụ nên nhộng ong chúng tôi lấy về chưa bao giờ ế ẩm cả. Riêng ong non có cánh, được đặt mua riêng để về ngâm rượu, trở thành một loại rượu đặc sản ở vùng này”, anh Quảng chia sẻ.

Mặt trời dần lùi sau những cánh rừng cũng là lúc kết thúc một ngày làm việc của những thợ săn ong. Hành trình trở về của mỗi người mang theo không chỉ là những tổ ong chứa đầy nhộng mà còn là những trải nghiệm đời sống thiên nhiên, về sự đoàn kết, hợp tác giữa những con người với nhau.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=142093