Sản phẩm chổi đót Nông Phú vươn ra thế giới
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất chổi đót của chị Hoàng Thị Hưng, thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) khi các bà, các chị tay đang thoăn thoắt xé đót, buộc chổi, trò chuyện râm ran. Với mong muốn làm giàu ở quê hương, chị Hưng đã đưa nghề làm chổi đót về địa phương, dạy nghề, tạo việc làm ổn định và thu mua sản phẩm cho người lao động. Không những thế, chị Hưng còn ký kết được hợp đồng xuất khẩu chổi sang nhiều nước trên thế giới, nâng tầm cho sản phẩm địa phương.
Sản xuất chổi đót tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông Phú, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất, chị Hưng tâm sự: Năm 2012, từ khi có ý tưởng, tôi đã đến nhiều làng nghề làm chổi ở các địa phương để học hỏi kỹ thuật làm chổi đót. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Muốn có một cây chổi đót bền, đẹp thì chất lượng đót là yếu tố đóng vai trò quyết định. Nguồn nguyên liệu được lấy ở các huyện khu vực miền núi như Cẩm Thủy, Mường Lát,... được mang đi phơi khô, công đoạn này quyết định đến chất lượng và độ bền của cây chổi nên đòi hỏi sự khéo léo của người thợ; bởi tùy thuộc vào thời tiết và kinh nghiệm để xếp lớp dày hay mỏng, thời gian phơi ít hay nhiều. Đót sau khi phơi được xé đọt, phần bông sau khi tách sẽ được bó lại thành từng bó rồi buộc lọn, từ đó bện thành cây chổi. Nghe thì tưởng chừng đơn giản, nhưng công đoạn này cần thao tác nhanh, chính xác và đẹp; vì khối lượng đót lớn, đọt xé ra không phạm vào phần thân, không gãy rụng bông. Công đoạn buộc lọn đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ, các lọn phải đều nhau, tùy theo từng chủng loại chổi mà điều chỉnh kích thước, trọng lượng cho phù hợp, đây là bước ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm; nhất là các đơn hàng lớn xuất khẩu. Các lọn sau khi bó xong sẽ được chắp lại với nhau, dùng chỉ, dây dù, hoặc dây cước, dây kẽm cố định lại, công đoạn này gọi là bện lưỡi. Đây là kỹ thuật khó nhất trong cả quá trình làm chổi. Người thợ lành nghề sẽ cho ra sản phẩm đều, giữa các lọn không có khe hở, đường dây đan thẳng; lưỡi chổi cầm lên cho cảm giác chắc chắn, các lọn gắn kết với nhau thành một khối thống nhất. Công đoạn cuối cùng là gắn lưỡi chổi vào cán chổi, nguyên liệu làm cán cũng phải được lựa chọn cẩn thận và gia công tỉ mỉ, phù hợp với yêu cầu của thị trường... Sản phẩm hoàn thiện khi cầm rất chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót.
Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi, chị Hưng kể: Sau khi sản phẩm được đưa đến tiêu thụ ở các địa phương trong cả nước, tôi đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông Phú để sản xuất, kinh doanh sản phẩm chổi đót truyền thống của địa phương, đồng thời, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hiện nay, có khoảng 40 lao động đến xưởng nhận nguyên liệu về nhà làm và trả sản phẩm; khoảng 20 lao động sản xuất thường xuyên tại xưởng. Tuy nghề làm chổi đót không phải là nghề chính của người dân xã Vĩnh Phúc, nhưng nó phát huy được thời gian rảnh rỗi của người dân sau mùa vụ thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Năm 2019, sản phẩm chổi đót Nông Phú đã được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Anh, Úc, Ấn Độ..., số lượng trung bình từ 20 đến 30 nghìn sản phẩm, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/tháng. Vừa chia sẻ, ánh mắt của chị cũng ánh lên niềm vui vì sau nhiều năm gắn bó với nghề, số lượng sản phẩm do cơ sở sản xuất ra cũng tăng dần, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương, nhất là, công việc dạy nghề, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Xây dựng thành công thương hiệu chổi đót Nông Phú trên thị trường từ hai bàn tay trắng, chị Hưng là điển hình cho lớp người trẻ tuổi năng động, dám nghĩ, dám làm, góp phần phát triển ngành nghề tại địa phương. Thời gian tới, chị Hưng dự định sẽ cùng địa phương xây dựng làng nghề chổi đót, nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật, thay đổi mẫu mã, phát triển thành nghề sản xuất chính cho người dân.