Sản phẩm dệt may 'hướng nội'

Thay vì dành những gì tốt nhất cho xuất khẩu (XK), hiện nay, do nhu cầu của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng lên, doanh nghiệp (DN) đã chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để phân phối tại thị trường nội địa.

Phân khúc mà các DN dệt may Việt đang thành công nhất là thời trang công sở tầm trung và cao cấp

Phân khúc mà các DN dệt may Việt đang thành công nhất là thời trang công sở tầm trung và cao cấp

Xu hướng của doanh nghiệp

Không chỉ giữ vững vị thế là một trong những mặt hàng XK chủ lực, những năm gần đây, các DN dệt may đang chuyển hướng, quay trở lại thị trường trong nước. Phân khúc mà các DN dệt may Việt đang thành công nhất là thời trang công, sở với các sản phẩm tầm trung và cao cấp. Người tiêu dùng nam giới có thể dễ dàng chọn mua các sản phẩm dệt may có thương hiệu như Mattana, An Phước… với kiểu dáng phong phú, chất liệu tốt, bền và đẹp. Nữ công sở cũng dễ dàng chọn mua các sản phẩm của NEM, Eva de Eva, Elise… với sản phẩm phong phú, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.

Về giày dép, túi xách, một trong những sản phẩm đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng là sản phẩm mang nhãn hàng Gosto của Công ty Kinh doanh và Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s). Gosto nổi bật với các mặt hàng giày dép, túi xách cao cấp, sản xuất thủ công, số lượng có hạn, chỉ tung ra thị trường 2 - 3 bộ sưu tập/năm, tạo dấu ấn độc đáo, đẳng cấp. Ở phân khúc thấp hơn, việc ngày càng nhiều các cửa hàng giày dép “Made in Vietnam” với mức giá tầm trung, chất lượng tốt được mở ra, cũng cho thấy sức hút lớn của hàng Việt.

Hai minh chứng trên cho thấy, thay vì dồn hết những sản phẩm tốt nhất phục vụ xuất khẩu, các DN đang chú trọng nhiều hơn đến thị trường trong nước bởi nhu cầu của người tiêu dùng càng lúc càng khắt khe, luôn muốn có sản phẩm chất lượng cao, an toàn khi sử dụng. Khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn bởi các sản phẩm ngoại nhập đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao tại các kệ hàng siêu thị hay các kênh phân phối truyền thống đã buộc DN phải nhìn nhận lại và đầu tư nhiều hơn cho “miếng bánh” lớn với hơn 90 triệu dân này.

Đầu tư nhiều hơn cho thị trường nội địa

Mặc dù ý thức được vai trò quan trọng của thị trường nội địa, nhưng để chiếm lĩnh thị trường này là vấn đề rất khó khăn. Bởi lẽ, việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, có chất lượng cao nhưng giá thành cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại không phải là công việc có thể giải quyết trong một vài năm.

Ông Hoàng Vệ Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty May Đức Giang - cho hay, làm hàng nội địa khó khăn hơn rất nhiều so với XK. Ví dụ với dệt may, nếu làm hàng XK thì chủ yếu là làm gia công, sản xuất xong là giao hàng, rất gọn nhẹ. Trong khi đó, sản xuất hàng nội địa phải làm theo quy trình khép kín, tỉ mỉ từ khâu đầu tới khâu cuối, đòi hỏi công sức không ít. Phải thực sự có đủ sức, đủ sự kiên trì và xây dựng cho mình một chiến lược thì mới làm được.

Giảm thiểu khó khăn cho các DN, theo các chuyên gia, cần xác định lại phân khúc sản phẩm và thị trường tiềm năng để khai thác tốt nhất. Hiện nay, thị trường nông thôn và phân khúc hàng hóa trung bình, thấp vẫn chưa được DN chú ý nhiều. Đây là những phân khúc thị trường cần được ưu tiên hơn để thu được lợi nhuận trong tương lai.

Cùng với nỗ lực của DN, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 chỉ rõ, phấn đấu đến năm 2020 tăng tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối lên hơn 80%. DN sẽ được hỗ trợ kết nối quy mô quốc gia giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối; tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại khu vực tập trung đông dân cư… để hoàn thành mục tiêu này.

Thực tế, thị trường trong nước đã và đang mang lại nguồn lợi không nhỏ cho DN. Ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp - cho hay, nhờ sự đầu tư đúng đắn cho các sản phẩm thị trường thực sự cần, doanh thu nội địa của công ty luôn tăng trưởng 15%, con số đáng mừng khi thị trường ảm đạm như hiện nay.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-pham-det-may-huong-noi-80445.html