Sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng?

Hiện suy dinh dưỡng cấp tính nặng là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như: tiêu chảy hoặc viêm phổi. Qua phân tích thực trạng này, các đại biểu đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em.

Lấy dẫn chứng thực tế, đại biểu Nàng Xô Vi thông tin, hiện tỉnh Kon Tum có khoảng 1.800 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cần được điều trị. Còn cả nước mỗi năm có khoảng 23.000 trẻ em dưới 6 tuổi mắc căn bệnh này và khoảng 50.000 ca trong số đó là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên việc điều trị bệnh này đang gặp nhiều khó khăn và rất cần có một khung pháp lý cụ thể.

Bà NÀNG XÔ VI - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: "Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ngoài nguy cơ tử vong còn bị ảnh hưởng đến phát triển não bộ và khả năng học tập sau này. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê theo hướng dẫn của y tế."

Hiện nay tại Việt Nam không có sản phẩm dinh dưỡng để điều trị bệnh suy dinh dưỡng, nhưng việc điều trị suy dinh dưỡng vẫn được thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, vitamin mà người bệnh bị thiếu hụt, và được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định. Qua phân tích, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – đoàn An Giang nhận thấy, nội dung này hiện vẫn chưa được thể hiện rõ ràng tại điều 65 dự thảo luật.

Bà TRẦN THỊ THANH HƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: "Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý nhà nước và quy định chuyên môn trong sử dụng đối với loại sản phẩm này cho phù hợp. Đề nghị bổ sung khái niệm ‘’sản phẩm dinh dưỡng’’ trong giải thích từ ngữ, đồng thời bổ sung quy định về danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị."

Bà ĐÀO HỒNG LAN - Bộ trưởng Bộ Y tế: "Hiện nay, Quỹ Bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 từ năm 2018. Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết trong phạm vi của luật này và để đảm bảo cân đối với các điều khoản khác cũng như đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy định như Điều 65 của dự thảo luật là phù hợp."

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/san-pham-dinh-duong-la-thuoc-hay-thuc-pham-chuc-nang