Sản phẩm du lịch đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng OCOP
Ngày 16/11, Hội đồng đánh giá và xếp hạng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Cần Thơ họp Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố (gọi tắt Hội đồng) đợt 1 năm 2023.
Hội nghị đánh giá, bình chọn các sản phẩm có thể tham gia đánh giá, xếp hạng cấp trung ương, báo cáo kết quả lên UBND thành phố Cần Thơ phân hạng sản phẩm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương để phát triển kinh tế.
Trong đợt đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố Cần Thơ này, lần đầu thành phố có sản phẩm về du lịch. Đó là Làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền). Làng du lịch Mỹ Khánh là sản phẩm được Hội đồng chấm điểm cao nhất với 87,7 điểm và được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Cần Thơ, Làng du lịch Mỹ Khánh là sản phẩm du lịch đầu tiên ở Cần Thơ cũng là đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng sản phẩm OCOP.
Căn cứ vào các tiêu chí tại Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Quyết định số 148) kết hợp với đi khảo sát thực tế, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố nhận thấy chất lượng phục vụ, dịch vụ du lịch, các tiêu chí an toàn thực phẩm, lượng khách,... của Làng du lịch Mỹ Khánh đáp ứng được các tiêu chí và xứng đáng được "gắn" 4 sao.
Làng du lịch Mỹ Khánh hình thành và phát triển với thâm niên hơn 20 năm. Từ một làng du lịch với diện tích khoảng 1ha, hiện nay, nơi đây đã mở rộng hơn 30ha gồm các khu chức năng phục vụ du lịch; trong đó, có các khu vui chơi giải trí (đua heo, đua chó,...), khu làng nghề có nghệ nhân làm bánh dân gian phục vụ khách, dịch vụ nhà mát, vườn cây ăn trái... Nơi đây cũng là điểm kết nối nhiều sản phẩm OCOP của địa phương để tiếp cận với khách du lịch. Làng du lịch Mỹ Khánh là mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng nông thôn được du khách quốc tế và nội địa ưa thích.
"Chính quyền rất khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP gắn với tính sẵn có, đặc thù của địa phương. Và Làng du lịch Mỹ Khánh đáp ứng được điều đó. Nơi đây phát triển các loại hình dịch vụ gắn liền với thủ phủ trái cây nổi tiếng Cần Thơ - huyện Phong Điền. Một sản phẩm du lịch sinh thái rất phù hợp với tiêu chí của sản phẩm OCOP góp phần cho phát triển kinh tế địa phương, phát triển du lịch sinh thái Phong Điền", ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đánh giá.
Mặc dù là điểm du lịch được biết đến từ lâu và đã có tên trên bản đồ du lịch của Cần Thơ nhưng ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh nhận định Làng du lịch Mỹ Khánh được xếp hạng OCOP 4 sao đã tạo thêm cơ hội cho Làng du lịch Mỹ Khánh khẳng định được chất lượng phục vụ với khách du lịch.
Sản phẩm OCOP 4 sao cũng là "giấy chứng nhận" Làng du lịch Mỹ Khánh có trách nhiệm của một doanh nghiệp trong hỗ trợ cộng đồng, người dân phát triển sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo thêm uy tín, niềm tin của khách du lịch với Làng du lịch Mỹ Khánh.
Không chỉ dừng lại ở 4 sao, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh cho biết, Làng du lịch Mỹ Khánh phấn đấu để được "gắn" OCOP 5 sao. Vì thế, trong thời gian tới, Làng du lịch Mỹ Khánh vẫn tiếp tục duy trì hướng phát triển du lịch sinh thái và tận dụng thế mạnh của địa phương. Làng du lịch Mỹ Khánh cũng tiếp tục cải thiện tốt chất lượng dịch vụ, nâng cao tay nghề cho nhân viên. Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng mong muốn của khách du lịch khi đến Cần Thơ nói chung và Làng du lịch Mỹ Khánh nói riêng.
Đợt này, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố Cần Thơ đánh giá, xếp hạng cho 12 sản phẩm OCOP của 5 chủ thể trên địa bàn quận Bình Thủy, Ninh Kiều và huyện Phong Điền.
Theo đó, có 4 sản phẩm của 3 chủ thể thuộc huyện Phong Điền: bánh hỏi mặt võng Út Dzách, vú sữa Lò Rèn, vú sữa Bơ Hồng, Làng du lịch Mỹ Khánh; 5 sản phẩm của Công ty cổ phần Dược thảo FUNGI (quận Bình Thủy): đông trùng hạ thảo Fungi, rượu đông trùng hạ thảo Fungi, dưa lưới sấy thăng hoa Fungi, sầu riêng sấy thăng hoa Fungi, sữa chua sấy thăng hoa Fungi và 3 sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn yến sào Tịnh Hoằng (quận Ninh Kiều): yến sào Phụng Hoàng, yến sào Quý Phi, yến chưng đường phèn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trực tiếp tham gia đánh giá sản phẩm; thảo luận kết quả và chấm điểm, xếp hạng sản phẩm. Các đại biểu đều có chung nhận xét các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh đều được chú trọng đầu tư chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu. Kết quả, 12 sản phẩm được chấm từ 75 - 87,7 điểm và đều được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ nhận định kết quả này phản ánh được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP các quận, huyện thực hiện đánh giá chặt chẽ, nghiêm túc.
Theo kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ trong năm 2023 sẽ xét công nhận khoảng 20 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Sau đợt 1 có 12 sản phẩm OCOP 4 sao được công nhận và còn đợt đánh giá, xếp hạng thứ 2 cho các sản phẩm của các địa phương còn lại. Như vậy, thành phố Cần Thơ sẽ đạt và vượt chỉ tiêu "gắn sao" cho các sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ luôn quan tâm, tích cực thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn thành phố Cần Thơ có 117 sản phẩm OCOP gắn 3- 4 sao. Đến thời điểm này, quận Thốt Nốt là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Các sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, giá trị văn hóa và truyền thống các địa phương.
Mặc dù, số lượng sản phẩm OCOP được công nhận vượt chỉ tiêu kế hoạch nhưng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho rằng so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì số lượng sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ vẫn còn thấp.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Cần Thơ phối hợp các ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
Các quận, huyện lưu ý tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng 3 - 4 sao duy trì và mở rộng, phát triển mạnh hơn về chất lượng, số lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Các sở, ngành và UBND các quận, huyện rà soát lại các chính sách đã được Trung ương, UBND thành phố ban hành để hỗ trợ các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP.
Nhận định làm ra sản phẩm đã khó, khâu tiêu thụ còn khó hơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đề nghị các sở, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ các chủ thể làm tốt khâu quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để các sản phẩm OCOP vào được chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, Sở Công Thương Cần Thơ làm cầu nối kết nối đưa sản phẩm OCOP địa phương vào siêu thị, cửa hàng tiện ích; Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch kết nối các điểm du lịch bố trí gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP giới thiệu cho khách lưu trú, khách du lịch./.