Sản phẩm nông thôn mới
Gần 100 sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu của 12 huyện, thành phố được giới thiệu đến người dân và du khách tại Triển lãm mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đánh thức tiềm năng của hàng trăm đặc sản nông thôn. Qua đó, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Từ hơn một năm nay, sản phẩm chuối laba của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng - huyện Đam Rông đều đặn mỗi tuần xuất 20 tấn sang thị trường Nhật Bản. Đối với một huyện nghèo như Đam Rông, mô hình trồng chuối hướng đến xuất khẩu đang thực sự mở ra một hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cho bà con nơi đây.
Lâm Đồng là 1 trong 9 tỉnh, thành phố đại diện cho Vùng kinh tế được TƯ chọn chỉ đạo điểm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017 - 2020, định hướng 2030.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo điểm Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2019 với 3 nguyên tắc: phát triển sản phẩm đặc trưng ở địa phương được chấp thuận ở cấp độ toàn cầu; tổ chức sản xuất theo phương châm tự lực, tự tin và sáng tạo, đạt hiệu quả cao nhất; đào tạo nguồn nhân lực thực hành từ khâu tạo vùng nguyên liệu đến khâu sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại…
Theo đó, phát triển ít nhất 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, phát triển ít nhất 02 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP cấp quốc gia từ cà phê arabica, atisô, hạt mắc-ca, quả phúc bồn tử.
Theo anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX, nắm bắt được thông tin về việc Lâm Đồng triển khai chương trình OCOP, anh đã đăng ký tham gia. Hiện HTX đã phát triển vùng sản xuất lên đến trên 150 ha, thương hiệu của HTX đang được xây dựng khá vững chắc. Tại triển lãm, sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng khi dùng thử sản phẩm. Tới đây, HTX đang muốn phát triển mạnh thị trường trong nước, đặc biệt là hệ thống các siêu thị.
Hay những thương hiệu còn non trẻ, mong muốn thử sức mình tại sân chơi lớn như ChapiCoffee, thì triển lãm là cơ hội giới thiệu đến đông đảo khách hàng sản phẩm cà phê chất lượng cao được sản xuất bởi cộng đồng người DTTS của huyện Lạc Dương.
Chị Nguyễn Lê Thạch Thảo - đại diện thương hiệu ChapiCoffee cho biết: Đây là cơ hội rất tốt để đưa sản phẩm của mình tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng cũng như cơ hội liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp. Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là xuất khẩu các sản phẩm cà phê đặc sản ra thị trường quốc tế, nhưng để làm được điều đó, trước hết chúng tôi đang xây dựng nền móng vững chắc từ thương hiệu và thị trường trong nước. Chỉ có như thế mới giúp người nông dân gia tăng giá trị từ sản xuất và đem lại hướng phát triển bền vững cho cây cà phê.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT, thông qua Triển lãm lần này, Sở NN&PTNT muốn giới thiệu những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Lâm Đồng; đồng thời trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống.
Đây cũng là dịp để các địa phương, HTX, doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, công nghệ và tìm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và phát triển nông thôn; tiếp cận, cập nhật thông tin về thị trường, các dịch vụ, chế độ và chính sách…
Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động của triễn lãm lần này cũng là cơ hội để các đơn vị mở rộng giao lưu thị trường, ký kết các hợp đồng kinh tế, đặc biệt là hướng tới xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống của Lâm Đồng.
Báo Lâm Đồng online xin giới thiệu một số hình ảnh:
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201908/san-pham-nong-thon-moi-2957592/