Sản phẩm OCOP cần hội tụ đủ các tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai từ năm 2018 đã nhận được sự hưởng ứng của các chủ thể sản xuất và cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhằm làm rõ hơn về những nội dung liên quan đến OCOP, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
P/v: Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2018, vậy đồng chí có thể cho biết những nội dung đã triển khai?
Đ/c Nguyễn Đức Vinh: OCOP là chương trình được triển khai từ định hướng của T.Ư gắn trọng tâm với xây dựng NTM, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, trên quan điểm chỉ có điểm khởi đầu, chưa định thời gian kết thúc. Chương trình được phê duyệt triển khai từ tháng 3.2018 và tỉnh ta thực hiện các bước rất bài bản, như: Thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí kinh phí; chọn huyện Quản Bạ làm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn tỉnh.
Các ngành, các cấp đã thể hiện sự quan tâm, nhận thức đúng về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình; nhiều chủ thể sản xuất và cấp ủy, chính quyền địa phương đã thể hiện sự quan tâm, tích cực hưởng ứng. Toàn tỉnh đã lựa chọn được 201 sản phẩm của 7 doanh nghiệp, 89 HTX, 22 tổ hợp tác, 31 hộ gia đình chia theo 6 nhóm sản phẩm để triển khai thực hiện. Các huyện, thành phố đã xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại tới các thị trường trong nước và quốc tế.
P/v: Đồng chí có thể cho biết, những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm sau hơn 1 năm triển khai?
Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Đây là chương trình mới, do vậy, việc thực hiện bước đầu còn lúng túng, cán bộ quản lý các cấp còn thiếu kinh nghiệm. Cùng với đó, do đặc thù vị trí địa lý nên giá thành các sản phẩm cùng loại của tỉnh ta cao hơn các địa phương khác; chưa có thị trường vững chắc; một số địa phương chưa thật sự chú trọng chỉ đạo triển khai; việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm... Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phương thức canh tác truyền thống, các sản phẩm đặc trưng, đặc thù ở các địa phương của tỉnh thực hiện Đề án OCOP luôn đảm bảo chất lượng, sản phẩm sạch. Đây là tiềm năng và thuận lợi lớn cho các sản phẩm OCOP của tỉnh khi cạnh tranh trên thị trường.
Thực tế trên cho thấy, để Chương trình OCOP đạt hiệu quả như kỳ vọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng của các chủ thể; bởi đây là chương trình xuất phát từ chính người dân, doanh nghiệp, HTX trực tiếp sản xuất, chế biến sản phẩm. Đồng thời, các cấp, ngành từ tỉnh, đến xã cần có kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là hoạt động tuyên truyền để tạo chuyển biến căn bản, tích cực trong nhận thức của người dân và các chủ thể; thay đổi tập quán sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm; gắn sản xuất với xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm.
P/v: Xin đồng chí cho biết mục tiêu lớn nhất của chương trình và cần làm gì để phát huy hiệu quả?
Đ/c Nguyễn Đức Vinh: OCOP là chương trình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, của vùng kinh tế khu vực nông thôn do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện, nhưng hội tụ đủ các tiêu chuẩn của sản phẩm hàng hóa, với mục tiêu gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị. Mục tiêu lớn nhất của chương trình là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và sản xuất trong xây dựng Nông thôn mới. Dự kiến, đến năm 2020 chương trình thu hút sự tham gia của 120 tổ chức kinh tế, với trên 5.000 lao động sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, mang lại thu nhập bình quân từ 60 – 70 triệu đồng/lao động/năm.
Để phát triển các sản phẩm OCOP, trước hết bản thân các chủ thể sản xuất phải chủ động, tự vươn lên, thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ. Cùng với đó, Nhà nước trợ giúp bằng cơ chế, chính sách đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện giờ là tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu, rộng, để nâng cao hiểu biết về ý nghĩa, tầm quan trọng và các chu trình của OCOP.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!