Sản phẩm OCOP mở rộng thị trường

Sau khi được công nhận sao OCOP, các sản phẩm truyền thống đã tạo lan tỏa, thu hút khách hàng tìm mua. Từ đó, nhiều cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động và góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Tháng 4/2024, sản phẩm kẹo gương truyền thống Kim Ngọc, ở tổ 3, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Từ đó, sản phẩm kẹo gương Kim Ngọc có thêm cơ hội vươn ra ngoài tỉnh và được nhiều khách hàng đón nhận. Chủ cơ sở kẹo gương Kim Ngọc Châu Thị Dạ Thẩm cho biết, trước đây, quy mô cơ sở của tôi còn nhỏ, chỉ giải quyết việc làm cho 3 lao động trong gia đình. Từ khi sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm lao động.

Sản xuất kẹo gương tại cơ sở kẹo gương Kim Ngọc, ở tổ 3, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).

Sản xuất kẹo gương tại cơ sở kẹo gương Kim Ngọc, ở tổ 3, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).

Chị Nguyễn Thị Thủy, ở tổ 6, phường Chánh Lộ, làm việc cho cơ sở kẹo gương Kim Ngọc bày tỏ, gia đình tôi có 3 người con đang tuổi ăn học. Trước đây, tôi bán bánh mì, chồng không có việc làm ổn định, nguồn thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Từ khi được tuyển vào làm ở cơ sở kẹo gương của chị Thẩm, tôi được trả lương từ 6 - 7,5 triệu đồng/tháng, giúp cuộc sống bớt khó khăn hơn.

Đến nay, bình quân mỗi ngày, cơ sở kẹo gương của chị Thẩm sản xuất khoảng 1 tạ nguyên liệu (đường, nha, đậu, mè). Sản phẩm kẹo gương Kim Ngọc không chỉ bán lẻ, cung cấp cho các đại lý trong tỉnh, mà còn được các đại lý, cơ sở buôn bán nhỏ ở các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh... đón nhận. “Cơ sở luôn thận trọng trong từng khâu chế biến, được ngành chức năng đánh giá cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nên được khách hàng tin tưởng đón nhận”, chị Thẩm chia sẻ.

Để kẹo gương thơm ngon, ngoài giữ nguyên cách chế biến truyền thống, chị Thẩm đã chọn nguyên liệu sạch, như đường cát, nha lấy từ Công ty CP Đường Quảng Ngãi; mua mè, đậu phụng ở các làng quê, rồi đem về sơ chế làm sạch. Nhờ tỉ mỉ từ công đoạn chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, sản phẩm kẹo gương mang thương hiệu Kim Ngọc được thị trường ưa chuộng, giúp gia đình chị Thẩm có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Chả nem Kim Đính của ông Nguyễn Tuấn, ở thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào đầu năm 2023. Sản phẩm chả nem Kim Đính đã được huyện Tư Nghĩa chọn tham gia Liên hoan "Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể" và không gian du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn năm 2024 do Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức tại huyện Nghĩa Hành vừa qua. Từ đó, sản phẩm chả nem Kim Đính tiếp tục được khách hàng tin dùng.

Ông Tuấn cho biết, ngày trước, sản phẩm của tôi chỉ bỏ mối cho các cơ sở trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh, nay được người tiêu dùng ở các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng... đón nhận. Bình quân mỗi ngày, cơ sở chế biến từ 180 - 200kg chả, giải quyết việc làm cho 7 lao động. Mỗi dịp Tết đến, cơ sở cho ra lò khoảng 800kg chả/ngày, với hàng chục lao động tham gia chế biến.

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Ngô Thành Tâm, từ năm 2022 đến nay, huyện có 9 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Đa số các sản phẩm này đều mang nét đặc sắc của địa phương, nhất là các sản phẩm của làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, giúp chủ cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho chủ thể sản phẩm OCOP và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202407/san-pham-ocop-mo-rong-thi-truong-16a1459/