Sản phẩm OCOP và thủy sản Quảng Ninh: Tìm đường vào kênh phân phối

Tiên phong trong triển Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), Quảng Ninh còn được biết đến là địa phương có sản phẩm thủy sản chất lượng. Tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao thương, kết nối để đưa các sản phẩm này hiện diện nhiều hơn tại hệ thống siêu thị trên địa bàn.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Tuần giới thiệu sản phẩm OCOP và thủy sản Quảng Ninh năm 2020

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Tuần giới thiệu sản phẩm OCOP và thủy sản Quảng Ninh năm 2020

Đến gần hơn với người tiêu dùng

Đưa sản phẩm mắm sá sùng (Vân Đồn) đến với Tuần giới thiệu sản phẩm OCOP và thủy sản Quảng Ninh năm 2020; Hội nghị Quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và thủy sản tỉnh Quảng Ninh, bà Cao Hồng Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar - mong muốn có thể kết nối, đưa các sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, đến nhiều người tiêu dùng hơn.

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho hay, Big C có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP nhưng theo quy định, để đưa vào hệ thống, đòi hỏi hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện, nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ... Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.

Trong khi doanh nghiệp (DN) sản xuất còn loay hoay khâu kết nối, nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Bà Phạm Thị Hải My - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội - cho biết, sản lượng thủy - hải sản tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội khoảng 40 - 50 tấn/tháng. Tuy nhiên, đơn vị chưa có nguồn thủy sản đồng đều, đảm bảo chất lượng.

Là đơn vị đầu tiên đưa các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh vào kệ hàng của siêu thị, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc điều hành siêu thị Big C miền Bắc - cho rằng, àïën nay, doanh thu caác sản phẩm OCOP Quảng Ninh khá ổn, có thể kể đến các sản phẩm như nấm kim châm Long Hải (Đông Triều), miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long…

Đẩy mạnh kết nối giao thương

Khẳng định luôn đồng hành với DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong hoạt động kết nối thị trường, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, theo ông Lê Hồng Giang - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh năm 2020, Sở Công Thương Quảng Ninh đã tham mưu cho tỉnh xây dựng một chuỗi các hoạt động xúc tiến, những tháng cuối năm, sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động.

Đối với sự kiện kết nối lần này, Sở Công Thương kỳ vọng giúp cho các sản phẩm OCOP và thủy sản Quảng Ninh vào chuỗi cung ứng không chỉ tại thị trường Hà Nội mà còn rộng khắp trên cả nước. Đây cũng là giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn đầu ra sản phẩm. Đồng thời, các sản phẩm của tỉnh từng bước xây dựng thương hiệu, tạo dựng vị thế để có thể đưa vào chuỗi cung ứng hiện đại của DN trong nước và FDI.

Ngay trong hội nghị, các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối đã được ký kết. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Giang, việc tổ chức các chương trình kết nối chỉ hỗ trợ một phần, thành công đến từ nỗ lực của DN. Để mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP và thủy sản thông qua hệ thống siêu thị, đòi hỏi DN xuất nắm rõ những quy định, xây dựng mối liên kết giữa nhà sản xuất với DN bán lẻ. Bên cạnh đó, chất lượng, số lượng và bao bì sản phẩm cũng là vấn đề DN phải đặc biệt quan tâm.

Ông Lê Hồng Giang - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh:

Các cơ sở sản xuất, DN cần tận dụng cơ hội kết nối với kênh phân phối hiện đại. Đồng thời, từng bước xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-pham-ocop-va-thuy-san-quang-ninh-tim-duong-vao-kenh-phan-phoi-146578.html