Sản phẩm ống thép của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá tại Australia
Australia tiếp tục gia hạn thời gian ban hành dữ kiện trọng yếu và kết luận điều tra cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam...
7 doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm ống thép chính xác liên quan đến vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Australia.
Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết mới đây, Ủy Ban Chống bán phá giá Australia (ADC) thông báo tiếp tục gia hạn thời gian ban hành Dữ kiện trọng yếu (SEF) và Kết luận điều tra cuối cùng (Final Report) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác (Precision pipe and tube steel) có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo đó, Dữ kiện trọng yếu (SEF) và Kết luận điều tra cuối cùng (Final Report) sẽ được ban hành muộn nhất lần lượt ngày 1/6/2021 và ngày 23/7/2021. Các bên liên quan có thể đệ trình quan điểm liên quan trong vòng 20 ngày kể từ ngày ban hành SEF.
Vụ việc nói trên được Australia khởi xướng điều tra ngày 31/3/2020. Doanh nghiệp Australia là Công ty Orrcon Manufacturing Pty Ltd (Orrcon) đã yêu cầu điều tra các sản phẩm nhập khẩu vào nước này là ống thép cacbon hàn cách điện, hợp kim hoặc không hợp kim, bao gồm phần rỗng hình tròn, hình chữ nhật và hình vuông được mạ hoặc không mạ kim loại bên ngoài. Thép nền là thép cuộn cán nóng hoặc cán nguội, được mạ hoặc không mạ. Nếu được mạ thì lớp mạ kim loại bên ngoài là nhôm hoặc hợp kim nhôm kẽm.
Có 7 doanh nghiệp Việt Nam liên quan vụ việc này được biết tới là: Công ty TNHH Công nghệ Thép Chính Đại; Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại; Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Tây Nam; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ M&H Việt Nam; Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát; Wing Chun Co Pty LTd.
Thời gian điều tra bán phá giá và trợ cấp từ 1/1/2019 đến 31/12/2019, trong khi thời kỳ điều tra thiệt hại là từ 1/01/2016 tới nay.
Trước mắt, có 7 doanh nghiệp Việt Nam liên quan vụ việc này được biết tới là: Công ty TNHH Công nghệ Thép Chính Đại; Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại; Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Tây Nam; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ M&H Việt Nam; Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát; Wing Chun Co Pty LTd.
Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng có thể liên quan tới vụ việc như: Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel; Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam Công ty Cổ phần Tập đoàn thép Nguyễn Minh; Công ty Cổ phần thương mại kỹ nghệ cao; Công ty Cổ phần Quốc tế Vạn Thắng; Công ty Cổ phần thép Nam Kim…
Theo Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp cung cấp thông tin và trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho Chính phủ.
Đồng thời, xây dựng bản lập luận nhằm làm rõ các chương trình bị cáo buộc trợ cấp và tình hình thị trường đặc biệt (PMS). Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm với Ủy Ban Chống bán phá giá Australia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thường xuyên thông báo tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam có liên quan để có phương án ứng phó kịp thời với các diễn biến của vụ việc.
Các sản phẩm ống thép bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm 3 mã HS: 7306.30.00: các ống hàn, có tiết diện tròn, làm bằng sắt hoặc thép không hợp kim, có đường kính ngoài không vượt quá 21 mm. 7306.50.00: các ống hàn, có tiết diện tròn, làm bằng thép hợp kim khác. 7306.61.00: các ống có tiết diện hình vuông hoặc hình chữ nhật, làm bằng sắt hoặc thép không hợp kim, có chu vi không vượt quá 279,4 mm và độ dày thành ống không vượt quá 2 mm.