Sản phẩm sau tiêu dùng: Vì sao doanh nghiệp ngại tái chế?
EPR - chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, bắt đầu triển khai từ năm 2022 buộc doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm với sản phẩm sau tiêu dùng thông qua hoạt động tái chế, xử lý chất thải hoặc đóng góp tài chính tương ứng. Nhưng sau hơn 2 năm triển khai, nhiều DN lại chọn cách 'đóng tiền cho xong', thay vì trực tiếp tổ chức hoặc thuê đơn vị tái chế.

Rác thải được thu gom và chờ phân loại tái chế tại Bắc Ninh. Ảnh: Minh Quân.
Thoái thác trách nhiệm
Theo các chuyên gia môi trường, về bản chất, EPR là công cụ thúc đẩy tái chế, tiết kiệm tài nguyên và chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn. Trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, thúc đẩy sự đổi mới. Tuy nhiên, việc dồn lựa chọn vào phương án nộp tiền đã dẫn đến hệ quả ngược, khiến quỹ môi trường có thể bị quá tải, trong khi chất thải trên thực tế vẫn không được xử lý. Thực hiện EPR không chỉ là trách nhiệm, còn là cơ hội để các DN phát triển bền vững. Việc thực hiện EPR sẽ giúp DN đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác xuất khẩu, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên trên thực tế, ông Nguyễn Thành Yên - Phó trưởng Phòng Chính sách pháp chế thuộc Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, DN lo ngại rủi ro, sợ ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu trong quá trình tái chế chất thải không đạt chuẩn, nên nhiều DN chọn giải pháp an toàn là nộp tiền. Cũng chính từ những lo ngại kể trên mà có một số DN sẵn sàng chi hàng tỷ đồng chỉ để chấp nhận nộp phạt thay vì tổ chức tái chế. Phó trưởng Phòng Chính sách pháp chế thuộc Cục Môi trường cho biết thêm, đại diện Total Energies từng tuyên bố sẵn sàng nộp 2 tỉ đồng nếu không đạt được cam kết, bởi thực hiện không đúng sẽ ảnh hưởng thương hiệu nhiều hơn là mất tiền.
Trong khi đó, theo ông Phạm Sinh Thành - đại diện Phòng Môi trường Công thương thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), quỹ EPR đã thu được hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn đầu. Song đến nay các đơn vị tái chế, vốn là mắt xích chủ chốt vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Điều này xuất phát từ việc quy chế chi tiêu chưa có, DN tái chế vẫn đang chờ đợi. Nhưng về lâu dài, các DN cần thực hiện tái chế thực chất chứ không thể mãi đóng tiền được.
Nhiều DN cho rằng, chỉ các đơn vị được công bố trên Cổng thông tin EPR của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới được phép nhận tái chế, dẫn đến hạn chế trong lựa chọn đối tác.
Thêm cơ chế khuyến khích doanh nghiệp
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ông Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, cần có các cơ chế công nhận, hỗ trợ và liên kết hiệu quả hơn giữa DN sản xuất với đơn vị tái chế, cũng như cộng đồng thu gom. Nếu không, EPR sẽ chỉ là một khái niệm trên giấy. Một thực tế khác là hệ thống thu gom, tái chế trong nước hiện vẫn manh mún, chưa có chính sách hỗ trợ cho những người thu gom nhỏ lẻ, vốn chiếm tỷ lệ lớn.
Từ kinh nghiệm triển khai EPR, ông Hiếu khuyến nghị các DN phải tự rà soát để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải. Ngoài ra, DN cũng nên tham gia vào những liên minh EPR để xây dựng được hệ thống thu gom, phân loại và tái chế một cách hiệu quả. Cạnh đó, DN cần chú trọng đầu tư vào số hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực trong điều hành, quản lý, trong sản xuất, minh bạch việc truy xuất nguồn gốc, việc nhập khẩu nguyên liệu, tăng niềm tin cho khách hàng và đối tác.
Nhằm gia tăng hiệu quả EPR trong công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực công nghiệp, ông Phạm Sinh Thành cho biết, Bộ Công thương đang triển khai và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp vừa tạo ra các công cụ, vừa tạo ra các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có tái chế, tái sử dụng chất thải nói riêng.
Chia sẻ về tính hiệu quả trong việc thực thi EPR, ông Nguyễn Thành Yên - Phó trưởng Phòng Chính sách pháp chế thuộc Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, trong tương lai, cần áp dụng mô hình ký quỹ hoàn lại, tức là DN nộp tiền trước, nhưng sẽ được giải ngân tương ứng với khối lượng chất thải tái chế đã thực hiện, có kiểm chứng. Lúc đó, tái chế chất thải sẽ không còn là gánh nặng mà là cơ hội để DN nhận được sự hỗ trợ và tăng tính cạnh tranh.