Sản phẩm số - trung tâm của các loại hình báo chí

Phát triển đa dạng hơn các sản phẩm báo chí số đang là hướng đi được nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam cũng như thế giới lựa chọn làm điểm mấu chốt trong quá trình chuyển đổi số của mình.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Nhà báo, TS Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam về quá trình này.

Ông đánh giá thế nào về chỗ đứng của các sản phẩm báo chí số so với các loại hình báo chí khác ?

- Có thể khẳng định, báo chí số là xu thế phát triển tất yếu của báo chí truyền thống, trên cơ sở thành tựu phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Hơn 30 năm qua kể từ khi tờ báo điện tử đầu tiên Chicago Tribune xuất hiện (5/1992) được coi là mốc ra đời của loại hình này. Tới thời điểm hiện tại, báo chí số dù phát triển song song nhưng đã vượt lên trước so với báo chí truyền thống.

Đặc trưng của loại hình báo chí số là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của yếu tố công nghệ, sử dụng công nghệ số trong sáng tạo nội dung, sản xuất sản phẩm báo chí số, truyền tải, phân phối, kinh doanh cũng trên các nền tảng số. Đồng thời, báo chí số vận hành trong một hệ sinh thái truyền thông số, sử dụng các công nghệ truyền thông xã hội thế hệ mới.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, sản phẩm báo chí số là thông điệp truyền thông đa phương tiện, được sản xuất dựa trên dữ liệu số. Tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với công nghệ số, luôn “sống” trong hệ sinh thái truyền thông số; sự khác biệt giữa báo chí số và các loại hình báo chí truyền thống, thể hiện ở trọng tâm là công nghệ̣ số - công cụ số - công chúng số, hoạt động trên cơ sở dữ liệu lớn và các chương trình tương tác, vận hành trong hệ sinh thái số…

Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm báo chí số là một bộ phận không thể tách rời khỏi một hệ sinh thái báo chí - truyền thông số nhất định, một môi trường truyền thông sử dụng công nghệ truyền thông xã hội thế hệ mới. Trong khi các sản phẩm báo chí truyền thống là đơn lập và không liên kết với các sản phẩm báo chí khác tác động tới từng nhóm công chúng riêng biệt, với những mức độ tác động khác nhau.

Vì vậy, theo tôi, hiện tại, các sản phẩm báo chí số có chỗ đứng và vai trò trung tâm, tiêu điểm cho các loại hình báo chí khác đang có ở các cơ quan báo chí của Việt Nam.

TS Trần Bá Dung - nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

TS Trần Bá Dung - nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

Có nhiều tòa soạn đang xác định nội dung là “xương sống” của các sản phẩm báo chí số. Quan điểm của ông thế nào về định hướng này?

- Theo tôi, nhận định trên là hoàn toàn phù hợp. Tôi nhớ lại câu danh ngôn nổi tiếng của tỷ phú truyền thông Mỹ - Sumner Redstone (1923 - 2020), người có ảnh hưởng lớn trong giới truyền thông toàn cầu: “Content is King” (“Nội dung là Vua”). Ông cho rằng công nghệ sản xuất và truyền tải nội dung có thể thay đổi, nhưng nhu cầu của công chúng về nội dung đối với truyền thông luôn luôn là số một, là yếu tố quyết định sự tồn tại của truyền thông.

Báo chí truyền thống hay báo chí số hiện nay cũng vậy: nội dung là số một, là yếu tố quyết định, là “xương sống” cho toàn bộ hoạt động báo chí, truyền thông. Trong hệ sinh thái của báo chí số hiện nay, dữ liệu lớn và nội dung số được coi là thành tố có vai trò quyết định, tạo thông điệp để dẫn dắt nhu cầu của công chúng số.

Liệu các sản phẩm báo chí số sẽ là lời giải cho bài toán kinh tế mà các cơ quan báo chí đang phải đối mặt?

- Trong sự cạnh tranh không cân sức giữa báo chí với mạng xã hội ngày nay, rõ ràng, sản phẩm báo chí số có vai trò trung tâm, tiêu điểm cho các loại hình báo chí khác ở các cơ quan báo chí đa phương tiện.

Đây cũng là lời giải cho bài toán kinh tế mà các cơ quan báo chí phải giải quyết. Báo chí số có những ưu thế và lợi ích về tốc độ thông tin, tiết kiệm chi phí và dễ tiếp cận với người dùng - công chúng số hiện nay, với những thiết bị tiếp nhận cầm tay phổ biến ngày càng thông minh, tiện lợi.

Theo một nghiên cứu (2019) của Viện Báo chí Reuters, báo chí đang trở nên quan trọng hơn, nhưng lại kém mạnh mẽ hơn trước sự cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt với mạng xã hội. Với tiêu đề “Quan trọng hơn nhưng ít mạnh mẽ hơn? Năm điều mọi người cần biết về tương lai của báo chí”, báo cáo nêu rõ những rủi ro do bất bình đẳng thông tin ngày càng tăng, mô hình kinh doanh báo chí đang gặp khó khăn và vai trò không thể phủ nhận của các nền tảng truyền thông xã hội. Và điều báo chí cần phải thực hiện là hãy làm tốt nội dung hơn bao giờ hết.

Cũng theo một khảo sát của Báo cáo Reuters về xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2022, các nhà xuất bản tin tức cho biết đầu tư nhiều tài nguyên hơn vào podcasts và âm thanh số, cũng như các bản tin email. Điều này giải thích tại sao các nhà sản xuất tin tức đang tìm kiếm nhiều cách hơn để thu hút khán giả trẻ và do đó đón nhận báo chí số để dễ dàng tiếp cận họ.

Khi công chúng số phần lớn là công chúng trẻ, báo chí số là kênh tốt nhất để báo chí tiếp cận và tạo doanh thu từ sự tiếp cận ấy, với hệ sinh thái số, từ “thông tin trên trang web hay những đăng tải trên Twitter của một đài truyền hình lớn, các trang trực tuyến của một tờ báo quốc gia hay từ Instagram của một cơ quan truyền thông địa phương”.

Như vậy, báo chí số với công cụ số và công chúng số hiện nay, là môi trường, là cơ hội để giải bài toán nguồn thu cho báo chí. Tất nhiên, trước hết và quyết định, “xương sống” vẫn là nội dung. Nội dung số phải tốt mới tiếp cận được công chúng số, mới có quảng cáo và các nguồn thu khác từ công chúng số.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/san-pham-so-trung-tam-cua-cac-loai-hinh-bao-chi.html