Sản phẩm từ cây trúc vẫn còn chỗ đứng

Trúc là loài cây dễ trồng, dễ chăm sóc nên có mặt ở hầu khắp các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ lâu, sản phẩm từ cây trúc đã gắn bó với đời sống cư dân nơi này. Ngày nay, dù chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất bằng dây chuyền công nghệ nhưng không vì thế mà sản phẩm từ trúc 'hết thời'...

Bà Mai Thị Ba ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau)-thương lái thu mua hàng trăm tấn trúc mỗi năm, chia sẻ: “Cây trúc ngày trước là cây thứ yếu, nhưng giờ trở thành nguồn nguyên liệu cho hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu của nhiều khách hàng trong và ngoài nước”. Một ki-lô-gam nhánh trúc tươi (sau khi cắt khúc) có giá bán khoảng 9.500-10.000 đồng.

Đồng chí Lê Tuấn An, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng thông tin thêm: “Trúc nhánh từng là phế phẩm bỏ đi, nay cắt khúc được thương lái mua với giá cao. Giờ thì cây trúc bán được hết cả thân lẫn nhánh”.

 Nghề đan cần xé được duy trì ở phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy (Hậu Giang).

Nghề đan cần xé được duy trì ở phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy (Hậu Giang).

Hơn 10 năm trước, trúc ở xã Tân Bằng là loài cây xếp tốp đầu trong danh sách “bị phá” để nhường chỗ cho ao nuôi tôm. Có lúc người trồng đốt luôn vườn trúc vì giá rẻ, bán không ai mua. Chị Nguyễn Thị Điền, thương lái thu mua trúc lâu năm nhất ở xã Tân Bằng, bộc bạch: “Tôi lớn lên ở đất này, từng chứng kiến cảnh phá trúc để làm vuông tôm.

Hơn 10 năm nay, tôi thành công với nghề mua bán trúc. Nhiều cơ sở dùng trúc để kết thành mành tạo ra những món hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Mỗi tấm mành bán ra thị trường khoảng 1,5 triệu đồng, còn xuất khẩu thì giá cao hơn”. Mỗi năm, cơ sở của chị Điền thu mua khoảng 200 tấn, với giá 9.500 đồng/kg, tức là 1,9 tỷ đồng. Con số này càng nhân lên nhiều lần ở vựa thu mua của bà Mai Thị Ba, vì cơ sở của bà Ba mua giá cao hơn do không qua trung gian.

Bà Mai Thị Ba cho biết: “Hồi đầu năm, thương lái nói năm nay hút hàng nên đề xuất tôi ký hợp đồng cung ứng vài trăm tấn và bao tiêu nhưng tôi không đồng ý, vì lỡ không gom đủ đơn hàng thì phiền. Vì vậy, tôi cứ thu mua, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Giờ mỗi tháng cơ sở tôi xuất bán không dưới chục tấn”.

Ở phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy (Hậu Giang), người dân đang phát huy nghề đan cần xé (một vật dụng trông giống chiếc giỏ to, dùng để chứa nông sản, làm từ trúc). Ông Phạm Thành Lập, 51 tuổi, ở khu vực VI, phường Ngã Bảy được biết đến như người gìn giữ và phát huy nghề đan cần xé. Tính đến nay, ông Lập đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề đan cần xé. Cũng là người chứng kiến bao thăng trầm của nghề, ông Lập đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng.

Ông Lập chia sẻ: “Thời hoàng kim của nghề đan cần xé Ngã Bảy là vào khoảng năm 2005 trở về trước. Khi đó cả vùng này phát triển trồng cây ăn trái và hoa màu. Cần xé là vật dụng để đựng, vận chuyển nông sản. Đến khi mặt hàng nhựa ra đời, sọt, rổ vừa nhẹ vừa bền dần lấn át và thay thế vị trí độc tôn của cần xé trúc. Xóm đan cần xé ở Ngã Bảy cũng thu hẹp, giảm quy mô từ đó...”.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, 49 tuổi, ở xóm đan cần xé phường Ngã Bảy cho biết: “Nhà tôi vẫn duy trì nghề đan cần xé giao cho các mối truyền thống. Mỗi tháng bán vài trăm cái, qua đó tạo việc làm cho lao động địa phương”. Gắn bó với nghề đan từ lâu, bà Bùi Thị Lan, 69 tuổi, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, TP Ngã Bảy, chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi vẫn đan được 10 cần xé, thu nhập hơn 200.000 đồng. Nghề đan nơi đây dù lúc sung túc hay thu hẹp cũng là chỗ dựa sinh kế của người dân, tạo việc làm, có thêm thu nhập. Như tôi, gần 70 tuổi vẫn làm được, vẫn có thu nhập”.

Khi nghề đan cần xé ở Ngã Bảy qua thời hoàng kim, ông Phạm Thành Lập nhạy bén cải tiến cần xé thành những cái khênh (cũng làm từ trúc) có hình thù, cấu tạo giống như cần xé nhưng được gia công, cải tiến thêm. “Khênh có kích thước rộng bằng cần xé nhưng chiều cao thấp hơn. Phần đáy được gia công thêm hai lớp nan, giữ thăng bằng khi khuân vác. Phần miệng được gia công thêm móc sắt, chắc hơn nhiều lần so với cần xé. Mỗi khênh bán với giá hơn 200.000 đồng, gần gấp đôi cần xé”, ông Lập cho biết thêm.

10 năm gần đây, khi ngành du lịch trải nghiệm ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, ông Lập có sáng kiến kết nối với tour, tuyến phục vụ khách nước ngoài trải nghiệm nghề đan truyền thống. Rồi ông mày mò sáng chế những chiếc cần xé “mini” làm quà lưu niệm. “Khách nước ngoài, nhất là ở các nước châu Âu rất thích. Trung bình mỗi năm, chúng tôi đón hàng nghìn lượt khách, mỗi sản phẩm cần xé “mini” bán làm quà tương đương giá trị của một cần xé truyền thống”, ông Lập cho biết.

Việc ứng dụng khoa học-công nghệ tạo ra sản phẩm gia dụng bằng nhựa, kim loại vẫn không thể thay sản phẩm từ cây trúc. Chiếu, cần xé, khênh cho đến rổ, thúng và mặt hàng thủ công mỹ nghệ như rèm trúc, sáo trúc, mành trúc vẫn còn “đất” để tồn tại. Đồng nghĩa với đó, không ít người như ông Lập, bà Lan, chị Điền vẫn sống đời vui vầy với cây trúc quê mình...

Bài và ảnh: PHONG PHÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/san-pham-tu-cay-truc-van-con-cho-dung-787833