Sản phụ băng huyết sau sinh có rối loạn đông máu

Sau sinh, sản phụ bị băng huyết và có rối loạn đông máu nặng. Nhận thấy tình trạng ra huyết bất thường của sản phụ, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu.

 Hiện tại, sức khỏe của mẹ con sản phụ đã ổn định

Hiện tại, sức khỏe của mẹ con sản phụ đã ổn định

Ngày 27/5, BV Sản Nhi tỉnh Hưng Yên cho biết, BV vừa cứu sống sản phụ Trịnh Thị P. (trú tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) bị băng huyết sau sinh có rối loạn đông máu.

Trước đó, ngày 22/5, sản phụ nhập viện khi có dấu hiệu chuyển dạ trên thai lần 3, thai nhi đang ở tuần thai thứ 40. Sản phụ được theo dõi và hỗ trợ sinh bằng phương pháp sinh thường.

Tuy nhiên, sau sinh sản phụ diễn biến xấu. Theo đó, sản phụ băng huyết và có rối loạn đông máu nặng, xét nghiệm fibrinogen 0,56g/l, tiểu cầu 78G/l. Ngay khi thấy tình trạng ra huyết bất thường của sản phụ, các bác sĩ đã xử trí kiểm soát tử cung, tăng co tích cực, chèn bóng lòng tử cung. Sản phụ đã được truyền 4 đơn vị máu, 2 đơn vị huyết tương, sử dụng thuốc để điều chỉnh chỉ số đông máu cho sản phụ.

Sau nhiều tiếng nỗ lực của các y bác sĩ, sản phụ đã qua cơn nguy kịch. Đến ngày 27/5, sức khỏe sản phụ ổn định, mọi chỉ số đã ở ngưỡng bình thường. Sự kiến, sản phụ sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo các bác sĩ băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm Băng huyết sau sinh là tình trạng âm đạo chảy máu quá nhiều sau khi sinh. Nếu băng huyết nhiều trong vòng 24 tiếng đầu sau sinh được gọi là băng huyết nguyên phát. Còn nếu tình trạng băng huyết xảy ra từ 24 tiếng đến 12 tuần sau sinh được gọi là băng huyết thứ phát.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), băng huyết sau sinh chiếm tới 25% tổng số ca tai biến sản khoa và 1/2 trường hợp băng huyết tử vong trong vòng 24 giờ sau sinh. Tại Việt Nam, trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm nhất thì băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở sản phụ (chiếm 78,8%).

Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, cầm máu có tích cực hay không, băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng như: choáng do giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến suy thận, suy đa tạng và tử vong; biến chứng lâu dài là thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh) và không thể bảo toàn khả năng sinh đẻ trong trường hợp phải cắt tử cung.

Có nhiều nguyên nhân gây băng huyết sau sinh, trong đó chảy máu diện rau bám là nguyên nhân gây băng huyết sau sinh thường gặp nhất (chiếm 70%). Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: chấn thương đường sinh dục đặc biệt là vỡ tử cung (chiếm 20%), bất thường về bong rau, sổ rau và rối loạn đông máu.

Để phòng tránh băng huyết sau sinh, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những thai phụ mang thai đôi, thai quá to hoặc từng có tiền sử băng huyết sau sinh nên đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên tại các cơ sở y tế để được quản lý thai nghén một cách toàn diện nhất. Bên cạnh đó, thai phụ cũng cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và chú ý bổ sung nhiều thực phẩm giàu hàm lượng sắt trong thai kỳ. Trong thời kỳ hậu sản, sản phụ cần được chăm sóc, nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tâm trạng ổn định, ăn uống điều độ hợp lý, tránh stress và đặc biệt giữ vệ sinh tầng sinh môn sạch sẽ tránh bị nhiễm trùng.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/san-phu-bang-huyet-sau-sinh-co-roi-loan-dong-mau-20220527152549407.htm