Sản phụ nhập viện cấp cứu khi có nguy cơ sinh non do không điều trị tiểu đường
Khoa Sản phụ của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp sản phụ bị đái tháo đường và mang thai 35 tuần.
Bệnh nhân là chị Đ.T.T.T. (23 tuổi, ngụ TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) mang thai 34 tuần 4 ngày thì bị đau bụng, dấu hiệu dọa sanh non nên nhập cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ). Theo thông tin từ gia đình, thai phụ mang thai lần đầu và có tiền sử bệnh đái tháo đường khoảng 2 năm nhưng điều trị không liên tục.
Người bệnh đái tháo đường có kế hoạch mang thai nên điều trị bệnh để có thể kiểm soát tốt lượng đường - Ảnh: Thanh Ngọc
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng: chỉ số xét nghiệm đường huyết là 432 mg/dl, HbA1c là 10,8 %, có nhiễm Ceton niệu. Ngay lập tức, thai phụ được điều trị kiểm soát đường huyết, truyền Insulin qua bơm tiêm tự động, tiêm hỗ trợ phổi đủ liều, theo dõi sức khỏe thai nhi.
Đến tuần thai 35 tuần 4 ngày, thai phụ có dấu hiệu suy thai nên được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán trước mổ: con so, thai ngôi đầu, dọa sanh non, đa ối, đái tháo đường type 2, suy thai cấp. Sau khoảng 25 phút, bé trai nặng 3 kg chào đời an toàn và được chuyển về Khoa Hồi sức nhi (NICU) theo dõi. Hiện tình hình mẹ và bé ổn định, dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BS.CKI. Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó trưởng Khoa Sản phụ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: “Tình trạng sản phụ này rất may mắn là mẹ tròn con vuông. Người bệnh bị đái tháo đường đã 2 năm nay, không theo dõi điều trị liên tục, trước khi mang thai không kiểm tra và không kiểm soát đường huyết ổn định. Đến khi có thai thì người bệnh khám tại y tế địa phương nhưng không kiểm tra đường huyết đầy đủ nên không phát hiện tình trạng đái tháo đường.
Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm, những trường hợp phụ nữ bị đái tháo đường trước khi mang thai hoặc bị đái tháo đường thai kỳ không được kiểm soát bệnh tốt đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”.
Theo các bác sĩ, người bệnh đái tháo đường có kế hoạch mang thai nên điều trị để có thể kiểm soát tốt lượng đường trước khi mang thai để hạn chế nguy cơ rủi ro cho bản thân và cả thai nhi. Nếu biết cách chăm sóc tốt, kiểm soát tốt lượng đường trong máu thì mẹ bầu dù bị tiểu đường vẫn có thể sinh con khỏe mạnh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dù nguy hiểm, nguy cơ mắc ngày càng cao, đái tháo đường thai kỳ có thể chủ động phòng ngừa bằng các xét nghiệm, tầm soát tiểu đường thai kỳ từ tuần 24 - tuần 28 khi mang thai.