'Săn phù thủy' vẫn tồn tại dai dẳng ở Ấn Độ
Dù đã trải qua hàng trăm năm, những cuộc săn phù thủy và đặc biệt nhắm vào phụ nữ vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ và một số khu vực trên thế giới cho tới bây giờ.
Giết người thân vì tin rằng nạn nhân là phù thủy
Theo báo cáo từ cảnh sát, một người phụ nữ đến từ quận Jamui, thuộc bang Bihar (Ấn Độ) đã bị người thân giết chết vì cho rằng nạn nhân là một phù thủy.
Ngoài ra, cũng có trường hợp một người phụ nữ đã bị lột trần, bị cưỡng bức ăn phân và bị hành hung đến mức mù lòa trước khi bị giết. Nguyên nhân cũng bởi vì những cuộc săn lùng phù thủy vẫn đang âm thầm diễn ra tại quốc gia này.
Năm 2016, Ấn Độ ghi nhận vụ án giết người tập thể chấn động thế giới. Nạn nhân là 5 người phụ nữ sống tại một ngôi làng. Họ đã bị hơn 50 dân làng hành quyết công khai vì lý do 5 nạn nhân này là phù thủy.
Có thể nói, sự kỳ thị và niềm tin sai lệch về con người đã gây ra nhiều tổn hại đến xã hội và tính mạng con người. Đặc biệt, mục tiêu giới tính nhắm vào phụ nữ của những cuộc săn lùng phụ nữ cũng là vấn đề khi hầu hết nạn nhân bị xem là phù thủy đều là nữ.
Vùng đất của những cuộc săn phù thủy
Những cuộc truy lùng phù thủy vẫn còn ở nhiều khu vực của Ấn Độ. Theo số liệu ghi nhận, có đến 12 trong tổng số 29 bang tại quốc gia này ghi nhận các vụ việc liên quan đến truy lùng phù thủy.
Báo cáo từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia (Ấn Độ) cho thấy, vào năm 2019, có 102 vụ án được ghi nhận với động cơ gây án là săn lùng phù thủy. Tuy nhiên, thực tế các vụ việc xảy ra còn nhiều hơn vì số liệu trên của là các trường hợp được báo cáo. Nhiều vụ án hình sự mà nguyên nhân là săn phù thủy không được báo cáo nếu không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo Tuyên ngôn Nhân quyền (UDHR) được ký kết bởi Ấn Độ, các quyền cơ bản bao gồm quyền sống, quyền tự do và an ninh, và quyền nắm giữ tài sản được tôn trọng. Tuy nhiên, với người bị coi là phù thủy, các quyền này đã bị vi phạm. Ngoài ra, những người bị cho là phụ thủy cũng bị gạt ra khỏi các vấn đề xã hội và kinh tế. Điều này được xem là vi phạm đến quyền con người cơ bản.
Ấn Độ không phải là lãnh thổ duy nhất của vùng đất những cuộc săn phù thủy. Các quốc gia như Ghana, Tanzania, Saudi Arabia, Chile, Uganda, Papua New Guinea, Cộng hòa Dân chủ Congo... hiện vẫn còn xảy ra những vụ vi phạm nhân quyền dưới hình thức chống phù thủy.
Săn phù thủy nhắm thẳng vào đối tượng là phụ nữ
Phụ nữ hay là đối tượng được coi là phù thủy vì người ta tin rằng phụ nữ đã gây ra bệnh tật, cái chết hoặc mùa màng thất bát. Ngoài ra còn có các nguyên nhân sâu xa khác như họ từ chối tiến hành tình dục, chống lại quyền hạn của người lớn tuổi trong cộng đồng hoặc biến họ thành nạn nhân để âm mưu chiếm đất...
Người phụ nữ được cho là nguyên nhân gốc rễ của tất cả các thiên tai, dịch bệnh hoặc vấn đề khó khăn, do đó quá trình "diệt cỏ" cũng được diễn ra "tận gốc". Chính vì vậy, họ có thể bị đàn áp bởi các biện pháp như hành quyết, trục xuất, hãm hiếp, săn đuổi, thiêu sống, tẩy chay hoặc chịu bất kỳ các đối xử bất công khác.
Định kiến về phụ nữ xuất phát từ các yếu tố như thiếu giáo dục, mê tín dị đoan, xã hội mang tính gia trưởng và thiếu nhận thức cộng đồng. Trong khi đó, các đặc điểm của phụ nữ như tuổi già, làn da, lưng gù, mái tóc kì dị hoặc bất cứ điều gì khác biệt được xem là "đặc điểm nhận dạng" của phù thủy.
Trong khoảng 300 năm dưới chế độ phong kiến châu Âu, quan niệm cho rằng phù thủy, đặc biệt là phù thủy nữ là nguyên nhân gây ra tất cả phiền toái, thiên tai, bệnh tật, dị giáo và các vấn đề khác trong cuộc sống đã ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều phụ nữ phương Tây. Vì vậy, những cuộc săn lùng phù thủy đã được tổ chức rộng rãi, gây ra hàng nghìn cái chết oan uổn. Trong đó, phụ nữ chiếm phần lớn số lượng nạn nhân.
Từ xa xưa, ở nhiều quốc gia, săn lùng và xử lý phù thủy được tiến hành trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở Pháp, việc săn lùng phù thủy được thực hiện dưới danh nghĩa tiếp biến văn hóa. Trong khi đó, ở châu Âu thời Trung cổ, săn lùng phù thủy được dùng để kiểm soát quyền phụ nữ...
Các chính sách chống săn phù thủy và bảo vệ phụ nữ
Theo các chuyên gia và các nhà nhân quyền, những chương trình cảm hóa địa phương, nâng cao ý thức chính trị của phụ nữ, tăng cường hiệu quả hệ thống đại diện cho phụ nữ có thể giúp thay đổi các tiêu chuẩn xã hội sai lệch và niềm tin cố hữu của người dân vào các hoạt động mê tín dị đoan. Ngoài ra, cần có quỹ đền bù thỏa đáng cho những phụ nữ bị gắn nhãn là phù thủy. Hơn nữa, nên có những biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục khi xã hội liên tục tẩy chay họ.
Trong các phiên tòa xét xử, người ta thường thấy tỷ lệ kết tội những kẻ săn phù thủy là rất thấp do thiếu bằng chứng và nhân chứng thù địch. Do đó, cần chuyển nghĩa vụ chứng minh từ người bị hại sang người bị buộc tội trái với thủ tục thông thường của phiên tòa hình sự.
Ngoài ra, luật pháp Ấn Độ đã ban hành các điều luật nhằm chống tư tưởng săn lùng phù thủy và bảo vệ phụ nữ khỏi các định kiến sai lệch.
Nguồn: livelaw.in