Sản phụ tử vong ở Bệnh viện Việt Pháp có thể do băng huyết sau sinh
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa, sản phụ N.Q.P. (24 tuổi) tử vong sau khi sinh con tại Bệnh viện Việt Pháp có thể do băng huyết sau sinh dẫn đến suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng.
Liên quan đến việc sản phụ 24 tuổi (Hà Nội) tử vong 2 ngày sau sinh thường tại Bệnh viện Việt Pháp (TP Hà Nội), nhiều bác sĩ trong lĩnh vực sản khoa nghĩ đến nguyên nhân có thể do băng huyết sau sinh.
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, băng huyết (mất máu) sau sinh là 1 trong 5 tai biến thường gặp nhất trong sản khoa bên cạnh tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, tắc mạch ối, vỡ tử cung. Những tai biến này nếu không cấp cứu kịp thời, sản phụ có thể tử vong.
Cùng quan điểm, PGS-TS Phạm Bá Nha, Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), cho rằng băng huyết sau sinh có thể diễn ra ồ ạt hoặc từ từ. Do đó, nhân viên y tế phải theo dõi rất sát sản phụ sau sinh. Nếu xuất huyết ồ ạt không được phát hiện, sản phụ có thể tử vong do tụt huyết áp dẫn tới ngừng tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rơi vào suy hô hấp, suy tim, ngừng tim, thiếu ô xy các phủ tạng như thận, não, gan… gây suy đa phủ tạng. "Băng huyết là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở sản phụ. Tại Việt Nam, tỉ lệ bị băng huyết khi sinh chiếm 3-8% tính chung các tuyến. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ này khoảng 1% trên tổng số hơn 7.000 ca đỡ đẻ mỗi năm"- ông Nha nói.
Phân tích thêm về nguyên nhân khiến sản phụ 24 tuổi tử vong, tiến sĩ-bác sĩ Trần Thị Hoa đã từng nghiên cứu, điều hành về đào tạo sản khoa thiết yếu và sức khỏe sinh sản của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, cho rằng khả năng sản phụ tử vong do bị băng huyết sau sinh. "Đây là tình trạng chảy máu nặng được xác định, sản phụ bị mất hơn 500 ml máu trong 24 giờ sau khi sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 500.000 phụ nữ trên toàn thế giới tử vong trong khi sinh hoặc do các biến chứng thai sản, trong đó băng huyết sau sinh chiếm tới 25%"- bác sĩ Hoa nhận định.
Theo bác sĩ Hoa, các biến chứng thai sản có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào ở mang thai, sinh nở và sau khi sinh. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ phụ nữ băng huyết sau sinh chiếm từ 3% - 8% và đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các bà mẹ. Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh có thể do sản phụ bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, đờ tử cung, chấn thương trong thời kỳ chuyển dạ.
Những phụ nữ có khả năng xuất hiện băng huyết sau sinh là trường hợp thai già tháng; giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ không tiến triển, tình trạng dinh dưỡng của mẹ kém, tuổi mang thai dưới 20 hoặc ngoài 35 tuổi; sản giật và các rối loạn liên quan; chuyển dạ kéo dài; sót nhau. "Sản phụ trước khi bị băng huyết sau sinh thường có các dấu hiệu như xanh xao, choáng váng; bồn chồn hoặc li bì; huyết áp thấp; tăng nhịp tim/nhịp tim nhanh,… bác sĩ phải nhận biết các dấu hiệu xuất huyết sau sinh càng sớm càng tốt. Khi đã xuất hiện băng huyết sau sinh mà không được bác sĩ phát hiện sớm, sản phụ có thể bị mất máu nghiêm trọng dẫn tới tổn thương các cơ quan nội tạng, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, sốc do rối loạn nước điện giải, là những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong mẹ"- bác sĩ Hoa chia sẻ.
Một số bác sĩ trong lĩnh vực sản khoa cho hay nhiều người thường nghĩ sinh mổ mới có thể bị băng huyết, tuy nhiên thực tế băng huyết sau sinh thường cũng có. Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội, cho biết tử cung người phụ nữ có thể lớn lên đến 50 lần từ lúc bình thường đến lúc thai to nhất. Điều đó có nghĩa là nếu tử cung giãn ra mà không co lại thì nguy cơ mất máu, sốc mất máu và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất cao. Do đó, với sản phụ trong 2 tiếng đầu sau sinh phải theo dõi chặt chẽ, liên tục.
Cũng theo bác sĩ Dung, việc chảy máu sau đẻ không gây đau đớn, máu lặng lẽ chảy, trong khi đó sản phụ khi vừa sinh xong, mệt nằm thiếp đi sẽ không thể cảm nhận, nhận biết được tình trạng này. Vì thế, nữ hộ sinh, bác sĩ phải theo dõi sát tình trạng này của sản phụ. Nếu phát hiện bất thường lập tức có biện pháp xử lý cho thuốc tăng co, đồng thời kiểm tra xem có tình trạng bị sót rau, có bị rách đường âm đạo, có bị đờ tử cung… hay không.