Sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Thái Lan đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế
Việc thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan (Bản ghi nhớ) được ký kết năm 2021 đã có những kết quả rất đáng ghi nhận – Đó là đánh giá của lãnh đạo chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan).
Sáng 17/1, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Ubon Ratchathani do ông Supasit Kocharoenyos, Tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani dẫn đầu xung quanh bản ghi nhớ này.
Xúc tiến nhiều lĩnh vực hợp tác
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin về những kết quả mà tỉnh đạt được trong năm 2023, trong đó, đáng chú ý là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2023 đạt 72.866 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,03%. Đặc biệt, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Huế ước đạt 3,2 triệu lượt khách; trong đó khách du lịch đến từ Thái Lan là 57 nghìn khách, chiếm 10,2% thị phần khách quốc tế.
Ông Phương đã nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Về cơ sở hạ tầng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh đã hoàn tất việc nâng cấp nhà ga quốc tế tại Sân bay Quốc tế Phú Bài. Cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 70 nghìn tấn… Tạo điều kiện tốt để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan.
Liên quan đến việc hợp tác với tỉnh Ubon Ratchathani theo nội dung bản ghi nhớ trên các lĩnh vực: Du lịch, giáo dục đào tạo, đầu tư, thương mại và logistics.
Qua triển khai thực hiện các thỏa thuận, ông Phương cho hay, hai bên đã duy trì trao đổi các đoàn công tác. Về giáo dục và đào tạo, Trường đại học Ubon Ratchathani Rajabhat đã có nhiều chương trình hợp tác với Đại học Huế và các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, năm 2013, tỉnh Ubon Ratchathani và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, trao đổi, thúc đẩy xúc tiến thương mại. Gần đây nhất, Hiệp hội May mặc tỉnh Thừa Thiên Huế và Hiệp hội May mặc tỉnh Ubon Ratchathani đã ký kết Bản ghi nhớ về việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc, trong khuôn khổ sự kiện “Ubon thành phố thời trang” vào ngày 8/12/2023.
“Các hoạt động trên có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội tiếp cận các thông tin, nắm bắt nhu cầu thị hiếu tiêu dùng, thị trường hàng hóa của tỉnh bạn…nhằm liên kết hợp tác, mở rộng thị trường kinh doanh”, ông Phương cho biết.
Nói về các kết quả hợp tác, ông Supasit Kocharoenyos, Tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani đánh giá cao những hoạt động được triển khai thời gian qua. Ông Supasit Kocharoenyos cho rằng, từ khi hai tỉnh ký kết Bản ghi nhớ, nhiều lĩnh vực hợp tác đã được thúc đẩy. Đặc biệt, sau khi đại dịch COVID-19 ổn định, các hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, du lịch được tiếp tục xúc tiến. Qua đó, tạo ra nhiều kết quả rõ ràng, đáng ghi nhận.
Kết nối doanh nghiệp hai địa phương
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã thông tin về tiềm năng, thế mạnh của Khu Kinh tế Chân mây - Lăng Cô. Đồng thời, giới thiệu những ưu đãi của tỉnh trong thu hút đầu tư vào khu vực này.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị, tỉnh Ubon Ratchathani tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Thừa Thiên Huế luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ubon Ratchathani nghiên cứu đầu tư trong các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý khách sạn, nhà hàng, nông nghiệp và đào tạo nghề, chế biến nông lâm, thủy sản; công nghiệp phụ trợ; sản xuất hàng tiêu dùng.
Ông Phương cho rằng, việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất của Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ Thái Lan nói chung và tỉnh Ubon Ratchathani nói riêng đóng vai trò quan trọng, nhằm đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, thủy sản thế mạnh tỉnh Thừa Thiên Huế đến người tiêu dùng và vào hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ của tỉnh Ubon Ratchathani và ngược lại.
“Ngoài kêu gọi đầu tư vào Thừa Thiên Huế, đặc biệt là Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, chúng tôi mong muốn tỉnh Ubon Ratchathani có các đoàn nghệ thuật sang Huế tham dự các kỳ festival sắp tới”, ông Phương chia sẻ.
Trước những đề xuất của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Supasit Kocharoenyos bày tỏ vui mừng, nhất trí cao, đồng thời cho rằng, sự hợp tác đó sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa. “Đối với việc tham dự các kỳ festival Huế, tỉnh Ubon Ratchathani luôn sẵn sàng tham gia, đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền vận động người dân tham gia, theo dõi các kỳ festival Huế”, ông Supasit Kocharoenyos nói.