Sẵn sàng cho cuộc sống mới
Sau hơn 3 tháng thi công, cả hai điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) và Chốt dân quân biên giới Mít Mọi (xã Tân Đông, huyện Tân Châu) đã hoàn thành, bàn giao nhà cho những người lính, những dân quân thường trực khó khăn về nhà ở.
Từ hôm nhận nhà, các gia đình đã dọn về nơi ở mới, bắt nhịp dần cuộc sống vùng biên với nhiều dự định cho tương lai…
Đoạn đường hơn 15 km, từ trung tâm xã Ninh Điền về Chốt dân quân biên giới Bến Cừ, là bạt ngàn những rẫy mía. Từ xa xa đã thấy thấp thoáng những mái nhà khang trang ẩn hiện. Đó là những ngôi nhà vừa được Quân khu 7 và UBND tỉnh bàn giao cho dành cho người khó khăn về nhà ở khi xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bến Cừ.
Sau nửa tháng về nhà mới, bên trong nhà vẫn còn trống trải, nhưng cảnh sắc nơi đây tươi vui hơn với những chậu hoa trước hiên, phía sau nhà là liếp rau muống, cải xanh đang lên mầm xanh mơn mởn.
Chúng tôi ghé thăm căn nhà số 3 của vợ chồng anh Phạm Thanh Nhân và chị Đỗ Thị Hồng Nhung, đúng lúc cả hai vừa đi cạo mủ cao su về. Vừa bắc nồi cơm lên, Nhung tranh thủ quét sơ căn nhà. Nhân ở phía sau bàn bạc cùng người em trai vợ chuẩn bị dựng thêm căn bếp.
Vừa làm cơm, Nhung kể, vợ chồng cưới nhau năm 2013. Gia đình hai bên cũng không khá giả, cưới xong, cả hai che tạm mái nhà rộng 3m, dài 9m, vách bằng bạt nhựa, mái lợp tôn trên phần đất của ba mẹ Nhân. Trước đây, con còn nhỏ, Nhung ở nhà, Nhân đi làm mướn. Hai năm nay, khi 2 đứa con đã biết đi biết chạy, có thể nhờ ông bà nội trông chừng, hai vợ chồng cùng đi cạo mủ cao su.
Dù 2 người làm, nhưng con ngày một lớn, vật giá cũng leo thang nên thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống mỗi ngày. Vợ chồng Nhung vẫn mơ ước có một căn nhà nhỏ nhưng vững chắc để tập trung tiền nuôi con. Và, ước mơ đó thành hiện thực.
“Có được căn nhà này tụi tôi mừng lắm. Ba mẹ ruột tôi ở Gia Lai cũng mừng cho vợ chồng tôi nên đã bảo cậu em út vô ở phụ dọn về nhà mới. Anh Nhân đang tranh thủ nhờ cậu út trước khi về quê cất ra thêm cái chái bếp để tôi có chỗ nấu nướng rộng rãi, thoải mái hơn. Cây cối tận dụng lại từ nhà cũ.
Trước đây khu vực này không có điện. Nhưng từ khi cất nhà, lãnh đạo còn kéo điện vào để mọi người sống tiện nghi hơn. Giờ chỉ lo làm nuôi hai đứa con ăn học cho đàng hoàng”, Nhung chia sẻ.
Vừa phụ vợ dọn cơm, Nhân cho biết, trước đây, trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, Nhân dự định ở lại quân ngũ phục vụ lâu dài. Nhưng rồi, ước mơ đó không thực hiện được. Giờ đây, khi được địa phương xét chọn đưa vào Điểm dân cư, sống và bám trụ nơi đây để cùng lực lượng biên phòng giữ gìn an ninh vùng biên giới, Nhân nghĩ đây cũng là cách gián tiếp để Nhân thực hiện mong ước ngày trước.
Nói về dự định tương lai, Nhân cho biết, cách đây hơn 1 năm, gia đình Nhân được MTTQ của xã trao tặng một con bò cái. Nhờ khéo nuôi nên nay đã có thêm con bê cái 4 tháng tuổi. “Mọi thứ giờ đã ổn định. Hằng ngày vợ chồng tôi đi cạo mủ, rồi nuôi thêm bò. Sau này có đất, hai vợ chồng sẽ trồng hàng bông hay mì, mía để tăng thu nhập. Còn chuyện góp sức mình để giữ yên biên giới hẳn là điều phải làm với người lính như tôi rồi”, Nhân tâm sự.
Anh Lê Văn Lòng- Chốt trưởng Chốt dân quân biên giới Bến Cừ chia sẻ, 2/5 hộ ở đây là dân quân thường trực đang công tác tại Chốt. Việc nhà nằm cạnh Chốt cũng là điều kiện thuận lợi cho các anh vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa lo cho gia đình chu đáo hơn.
“Hiện nay, ở đây đã có điện. Tỉnh cũng đang đầu tư hoàn thiện con đường tuần tra phía trước Điểm dân cư. Khi đó, nơi đây sẽ không còn cách trở, xa xôi. Có các hộ ở bên cạnh như này làm cho vùng biên giới ấm áp hơn. Anh em tới lui thăm nom, công tác phòng thủ cũng vững vàng hơn”, anh Lòng nói.
Việc bàn giao nhà tại các Điểm dân cư ngay khi bước vào mùa mưa có lẽ cũng có ý nghĩa riêng. Bởi, mưa, với nhiều người chỉ khó chịu bởi sự ướt át. Nhưng với người nghèo, mưa đi kèm với những lo toan của chuyện dột nát, của sập đổ từ những mái nhà tạm bợ. Đó cũng là nỗi lo của chị Vũ Thị Xuân Hương suốt hơn chục năm qua mà tôi vô tình biết được hôm chị nhận bàn giao nhà tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Mít Mọi.
Một chiều mưa giông tầm tã. Mưa vừa dứt, nghe giọng chị Hương trả lời điện thoại: “Chị đang ở chỗ bàn giao nhà… nay có nhà mới rồi. Nhà ngoài đó có sập cũng không sao đâu, vài bữa cũng phải giở ra dọn đồ vô đây mà”. Rồi chị quay sang tôi giải thích: “Đứa em họ gọi điện hỏi thăm. Nó sợ giông lớn quá, căn nhà dựng ở đậu ngoài chợ Kà Tum có bị làm sao không. Vì trước đây cứ giông vầy là nhà bị tung vách, mái sập, cực khổ lắm. Giờ có nhà này chắc chắn rồi. Không còn lo mưa gió gì nữa”, chị Hương cười vui vẻ.
Chị Xuân Hương là vợ của anh Trần Văn Đức. Những năm 1991 đến năm 2006, anh Đức từng là dân quân thường trực của Chốt Đông Hà, Chốt Mít Mọi. Những năm đó, cuộc sống tuy không dư dả nhưng anh chị vẫn có đất, có nhà. Nhưng rồi anh bị bệnh nang ở mũi, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt (TP.HCM) hơn 1 tháng, tiền viện phí trên 100 triệu đồng.
Chưa kịp làm để trả nợ, anh Đức lại tiếp tục bị chứng phổi có nước. Vậy là, bao nhiêu đất nhà đều phải bán đi hết. Anh chị về che tạm căn chòi ở đậu trên đất của người dì hơn chục năm nay. Ngày ngày, hai vợ chồng anh Đức đi gom củi về bán. Ở đâu có cây gãy ngã, người ta gọi anh chị tới cho. Nhờ vậy cũng kiếm gạo cơm qua ngày.
Nhưng nghĩ về một miếng đất với căn nhà của riêng vợ chồng, thật sự là điều khó với tới. “Có được căn này vợ chồng tôi mừng như trúng số vậy cô. Mừng lắm”, anh Đức nói gọn, giọng run run xúc động.
Mấy hôm nay, anh chị đang bận bịu chuyển đồ về lại căn nhà mới. “Vợ chồng tôi đang làm thêm cái bếp, cũng sắp xong rồi. Bữa giờ cũng đã dọn đồ vô từ từ rồi nhưng tới mùng 4 tháng 8 âm lịch tới tôi mới chính thức vô nhà mới. Có chỗ ở rồi cố gắng kiếm tiền làm thêm cái mái che ở trước nữa. Người ta báo giá 7 triệu đồng, nhưng chưa có khả năng. Thôi từ từ rồi làm, được vầy là mừng lắm rồi cô”, chị Hương hồ hởi nói.
Chỉ một thời gian ngắn, những hộ dân ở Điểm dân cư Mít Mọi đã ổn định nhà cửa. Có an cư mới lạc nghiệp. Mọi người đang hoàn thiện phần nhà với phần chái bếp, có nhà, đã tích cóp làm được cái mái che trước hiên nhà.
Cuộc sống mới đang bắt đầu trên vùng đất giáp biên. Mai đây, những cây xoài được trồng hôm nay sẽ sai trĩu quả, những mái nhà sẽ rộn vang tiếng cười. Điểm dân cư không chỉ có 5 gia đình mà sẽ là khu dân cư đông đúc. Biên giới sẽ luôn bình yên, thắm tình hữu nghị.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/s-n-sang-cho-cuoc-song-moi-a113563.html