Sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới

ĐBP - Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch tả lợn châu Phi tái phát, nhất là ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì phát triển, dự ước tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 1,82%. Ðây là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và sự đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt khó.

Ðiện Biên hướng tới năm 2021 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều vận hội mới. Trong ảnh: Một góc Trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Xuân Tư

Nỗ lực vượt khó

Dự ước GRDP tăng 1,82% dù đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra (7,25%), nhưng trong bối cảnh GDP cả nước năm 2020 cũng giảm sâu (ước thực hiện đạt 2% - 3%) thì kết quả tăng trưởng của một tỉnh miền núi như Ðiện Biên vẫn đáng khích lệ và cũng phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế vẫn có sự chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,52%; công nghiệp xây dựng tăng 0,09%. Riêng khu vực thương mại dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 nên giảm 1,67% so với năm 2019. Kết quả này phản ánh đúng thực trạng khi dịch Covid-19 đã khiến sức mua những tháng đầu năm giảm mạnh; dịch vụ vận tải, hoạt động xuất nhập khẩu rất khó khăn; lượng khách du lịch cũng giảm sâu (giảm 2,5 lần). Do quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, trong khi khu vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (57,64%) trong cơ cấu kinh tế, đồng thời đây là khu vực bị tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch Covid -19 nên sự suy giảm của thương mại dịch vụ đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng GRDP.

Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, tỉnh ta vẫn có những “điểm sáng” phát triển kinh tế. Ðó là sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng khá (tăng 2,46%). Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 12.718 tỷ đồng (tăng 23,74%); trong đó tỷ trọng huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước có chuyển biến tích cực (riêng vốn khu vực dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 52,45%). Giải ngân các nguồn vốn cũng là một “điểm nhấn” trong năm 2020. Ðến hết tháng 10, giải ngân đạt 57,4% kế hoạch vốn giao, cao hơn hẳn các năm trước và cao hơn 6,63% điểm phần trăm so với bình quân chung cả nước (50,77%); ước giải ngân cả năm đạt 99,26% kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; nhất là thực hiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ðặc biệt, tỉnh ta đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thuộc nhóm các tỉnh “nguy cơ thấp” trong toàn quốc, trên địa bàn chưa có trường hợp nhiễm bệnh.

Giải pháp cho thời gian tới

Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2020 đã hoàn thành với những gam màu sáng - tối. Phát huy những thành tựu, kinh nghiệm vượt qua khó khăn để xác định những giải pháp phù hợp, chính xác là yếu tố quyết định việc hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2021.

Kỳ họp thứ 16, HÐND tỉnh khóa XIV diễn ra từ 6 - 8/12 đã xem xét và thông qua 39 nghị quyết quan trọng. Trong đó, đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021. Ðây cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Các giải pháp được bàn, thống nhất sẽ quyết định việc thực hiện đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng.

Ðể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, UBND tỉnh đã xác định những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới theo chủ trương của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ; tìm các mô hình phát triển mới. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn về hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hành chính; điều hành ngân sách chặt chẽ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư công...

Một trong những giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh toàn diện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Ðẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi góp phần giảm thời gian, chi phí và nâng cao tính công khai, minh bạch.

Doanh nghiệp là động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, do đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển cần được quan tâm hơn nữa. Phân tích thực trạng của doanh nghiệp để nhận diện những khó khăn đặc thù ở mỗi lĩnh vực, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo “Ðề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2019 - 2023”. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp tham gia ý kiến xây dựng, thực thi các cơ chế chính sách, từ đó đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục phát huy kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Ðiểm sáng” về giải ngân vốn đầu tư trong năm 2020 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương... Do đó cần đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án, công trình có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 như: Hoàn thành dự án đường Na Sang - Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn thị trấn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí) kết nối quốc lộ 6, quốc lộ 12 và góp phần phá “thế cụt” cho huyện Tủa Chùa; hoàn thành các điểm tái định cư, dự án giải phóng mặt bằng, bảo đảm điều kiện khởi công dự án mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên trong quý II; triển khai các dự án thành phần Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ; thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2021...

Với tiềm năng, thế mạnh lớn về nông nghiệp, cần thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ đầu tư chế biến nông sản, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP; có giải pháp hữu hiệu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Tiếp tục tập trung các nguồn lực thực hiện xóa đói giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thiếu thốn về cơ sở hạ tầng; đảm bảo an sinh xã hội.

Hà Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183736/san-sang-cho-giai-doan-phat-trien-moi