Sẵn sàng cho năm học mới 2020 - 2021

Ngày khai giảng năm học 2020 - 2021 sắp tới. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để bước vào năm học mới với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Lễ khai giảng đặc biệt

Năm học 2020 - 2021, Hà Nội tiếp tục là địa phương có quy mô lớn nhất cả nước với gần 2.800 trường học và hơn 2,1 triệu học sinh. Qua khảo sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều đã lên kế hoạch giảng dạy, chuẩn bị cơ sở vật chất, dọn vệ sinh phòng học, phun khử khuẩn, bổ sung vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch... Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bảo đảm học sinh có môi trường học tập an toàn được coi là nhiệm vụ, cũng là mục tiêu quan trọng nhất của các nhà trường.

Bên thềm khai giảng, cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng về cơ bản đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2020 - 2021.

Bên thềm khai giảng, cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng về cơ bản đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2020 - 2021.

Tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm), trước thời điểm tựu trường và khai giảng, nhà trường tiến hành các buổi tổng vệ sinh, phun khử khuẩn Cloramin B. Nhà trường thực hiện phun khử khuẩn toàn trường 2 lần, đồng thời tổng vệ sinh 2 lần và phun thuốc muỗi phòng chống sốt xuất huyết để sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới an toàn.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng nhà trường), bên cạnh việc đề nghị phụ huynh chủ động trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn cho các con, nhà trường cũng trang bị máy đo thân nhiệt, có khu vực rửa tay cho học sinh và chuẩn bị khoảng 2.500 khẩu trang để phòng trường hợp học sinh đến trường bị mất hay làm rơi bẩn khẩu trang. Mỗi lớp đều có những trang bị cơ bản về nước sát khuẩn tay, khẩu trang, giấy lau tay…

Tương tự, tại trường Tiểu học Yên Thường (huyện Gia Lâm), hiện nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng và năm học mới. Cụ thể, nhà trường đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị như máy đo thân nhiệt, nhiệt kế điện tử, vật tư y tế, khẩu trang dự phòng, nước sát khuẩn, bồn rửa tay cho học sinh, cũng như phát tài liệu và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, hướng dẫn chi tiết cài đặt ứng dụng Bluezone để tự theo dõi các tiếp xúc gần và tự bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng.

Được biết, để chuẩn bị cho năm học mới và lễ khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc tổ chức Lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020 - 2021; đồng thời cùng Sở Y tế Hà Nội ban hành hướng dẫn liên ngành về việc phòng chống dịch Covid-19 đầu năm học 2020 - 2021.

Theo đó, toàn thành phố Hà Nội thống nhất tổ chức Lễ khai giảng vào ngày 5/9 theo hình thức trực tiếp (tập trung tại trường học, cơ sở giáo dục). Khác với mọi năm, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chương trình Lễ khai giảng năm nay sẽ được tổ chức ngắn gọn (thời gian không quá 45 phút), trang trọng, ý nghĩa, bảo đảm an toàn; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Trong lễ khai giảng, các trường học, cơ sở giáo dục tập trung, chú trọng đến việc đón học sinh đầu cấp. Tùy theo điều kiện thực tế, nhà trường bố trí số lượng học sinh tham dự khai giảng tập trung cho phù hợp, bảo đảm giãn cách theo quy định.

Các đơn vị có diện tích nhỏ, hẹp tổ chức tập trung khai giảng cho học sinh đầu cấp và đại diện học sinh các khối lớp khác (số học sinh còn lại bố trí dự trong lớp học); không tổ chức diễu hành khi đón học sinh đầu cấp, không thả bóng bay; không tập trung học sinh để tổ chức tập luyện trước ngày khai giảng. Ngoài ra, các trường học, cơ sở giáo dục phải cần xây dựng kịch bản chi tiết về kế hoạch đón học sinh và tổ chức khai giảng; phân luồng đón học sinh, đại biểu ngay từ cổng trường để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (đo thân nhiệt, phát bổ sung khẩu trang, sát khuẩn tay, hướng dẫn vị trí tập trung...).

Riêng với cấp học mầm non, các trường tổ chức “Ngày hội đến trường của bé” tại các lớp học, không tổ chức tập trung toàn trường. Hình thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo phù hợp tâm sinh lý, sức khỏe của trẻ, tạo ấn tượng tốt cho trẻ cho ngày đầu năm học mới. Thời gian tổ chức hoạt động trong khoảng từ 8h30 đến 10h (ngắn gọn, không quá 60 phút). Phụ huynh đón trẻ sau khi kết thúc hoạt động tại lớp.

Tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), nhà trường tổ chức tựu trường riêng cho học sinh khối 1 vào ngày 1/9, các khối khác sẽ vào ngày 3/9. Đến ngày khai giảng 5/9, khối lớp đầu cấp và cuối cấp tham gia lễ khai giảng ngoài sân trường để đảm bảo giãn cách. Các khối khác sẽ khai giảng trong lớp học và thực hiện hát Quốc ca theo tiếng loa từ sân trường. Các hoạt động trong lớp sẽ diễn ra đúng nhịp với lễ Khai giảng ở sân trường.

Sẵn sàng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 trên cả nước chính thức học chương trình, sách giáo khoa mới. Thời điểm này, những công việc cuối cùng của công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... đang được hoàn tất, sẵn sàng cho việc giảng dạy, tạo nền tảng học tập tốt nhất cho học sinh ngay từ lớp 1. Chẳng hạn, tại huyện Đan Phượng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn từ trên 90% lên 100% vào cuối năm 2020, huyện đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng bổ sung trường và phòng học để duy trì số học sinh/lớp theo Điều lệ trường học một cách bền vững.

Năm học 2020 - 2021, huyện Đan Phượng có 19 trường tiểu học, trong đó riêng khối lớp 1 có 92 lớp với khoảng 2.300 học sinh. Việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất dành cho học sinh lớp 1 - lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình, sách giáo khoa mới là nhiệm vụ trọng tâm. Đến thời điểm này, hầu hết các lớp 1 đều bảo đảm sĩ số 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, để duy trì bền vững tỷ lệ này, huyện Đan Phượng đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhiều trường học, ưu tiên địa bàn đông dân cư, có chiều hướng gia tăng số lượng học sinh.

Tương tự, để chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021, bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh tuyến tuyển sinh để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giữa các trường, quận Hoàng Mai đã tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và ưu tiên cho học sinh lớp 1. Toàn quận vừa có thêm 91 phòng học mới, chủ yếu dành cho cấp tiểu học. Điều đáng nói, riêng ở khối lớp 1, sĩ số trung bình đã giảm từ 50 học sinh/lớp còn 44 học sinh/lớp.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2020 - 2021, toàn thành phố tăng thêm 44 trường (25 trường công lập và 19 trường tư thục) và hơn 67.000 học sinh so với năm học trước, tiếp tục là địa phương có quy mô lớn nhất cả nước.

Để chuẩn bị cho năm học mới, các quận/huyện/thị xã đã đầu tư xây mới 38 trường học các cấp học với kinh phí khoảng 1.928,7 tỷ đồng; khối trực thuộc xây dựng chống xuống cấp cho 72 trường với dự kiến đầu tư 445 tỷ đồng. Thành phố cấp tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới là 804.733 triệu đồng.

Đặc biệt, xác định điều kiện quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông là đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cơ cấu lại đội ngũ giáo viên các cấp học, trong đó ưu tiên bổ sung đủ giáo viên dạy khối lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố cũng đã hoàn thành khâu chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020 - 2021. Điểm mới của việc chọn sách giáo khoa năm học này là các nhà trường được giao trách nhiệm lựa chọn các sách giáo khoa có trong danh mục được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng. Đến hiện tại, đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường tiểu học đã hoàn thành khóa tập huấn về giảng dạy sách giáo khoa mới dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại quận Tây Hồ, để giúp giáo viên tiếp cận nhiều hơn với sách giáo khoa mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã phối hợp với các nhà xuất bản tập huấn cho giáo viên và tổ chức các tiết dạy minh họa ở tất cả các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình lớp 1. Phòng đã yêu cầu giáo viên lớp 1 của 16 trường tiểu học trên địa bàn xây dựng các bài dạy và tổ chức hội giảng, rút kinh nghiệm, từ đó chọn ra những tiết học minh họa phù hợp nhất.

Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành và đạt kết quả tốt trong năm học đặc biệt này. /.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/san-sang-cho-nam-hoc-moi-2020-2021-112392.html