Sẵn sàng cho năm học mới ở huyện vùng cao Nghệ An

Theo kế hoạch vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành, Lễ khai giảng năm học 2024-2025 sẽ được tổ chức vào ngày 5/9. Đến nay, các trường học đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng để đón học sinh tựu trường vào ngày 26/8. Ghi nhận của phóng viên tại Kỳ Sơn - huyện miền tây của Nghệ An, nơi điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.

Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vệ sinh, sửa sang lại bàn ghế các phòng học.

Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vệ sinh, sửa sang lại bàn ghế các phòng học.

Những ngày này, nhiều trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang thực hiện công tác vệ sinh lớp học, khuôn viên trường học.

Có mặt tại trường để cùng các giáo viên lao động vệ sinh, thầy giáo Lâm Nguyên Ngọc, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cho biết: Năm học 2024-2025, Trường có 24 lớp học; gồm 15 lớp bậc tiểu học (381 học sinh) và 9 lớp bậc trung học cơ sở (255 học sinh). Bước sang tháng 8, nhà trường đã bắt tay vào việc sơn lại phòng học, tu sửa lại ký túc xá cho học sinh và hiện đang dọn dẹp vệ sinh.

“Ký túc xá của trường có 16 phòng. Năm nay, đã có 237 học sinh đăng ký bán trú. Vừa rồi, chúng tôi đã cưa một cây keo trong khuôn viên trường, xẻ lấy gỗ để sửa lại một số giường ngủ cho các em”, thầy giáo Lâm Nguyên Ngọc cho biết thêm.

Giáo viên Trường mầm non Nậm Càn trang trí lại khuôn viên trường học.

Giáo viên Trường mầm non Nậm Càn trang trí lại khuôn viên trường học.

Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Cắn 1, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, thầy giáo Lầu Bá Tu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 20 lớp ở 3 điểm trường. Năm nay, trường sẽ có khoảng 230 học sinh bán trú. Từ ngày 5/8, nhà trường đã huy động cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên vệ sinh trường, lớp và tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5 - Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Trong thời gian nghỉ hè, điểm trường chính ở bản Trường Sơn đã được xây dựng hệ thống kè chống sạt lở phía sau dãy phòng học và khu nhà ở của giáo viên. Với việc xây dựng kè chống sạt lở, mối lo mất an toàn cho giáo viên và học sinh lâu nay của nhà trường đã được giải quyết.

Kè chống sạt lở núi được xây dựng, bảo vệ Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Cắn 1 trước tác động của sạt lở núi.

Kè chống sạt lở núi được xây dựng, bảo vệ Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Cắn 1 trước tác động của sạt lở núi.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn Phạm Viết Phúc cho biết: Toàn huyện hiện có 24 trường mầm non (6.097 học sinh), 28 trường tiểu học (9.971 học sinh), 19 trường trung học cơ sở (6.221 học sinh) và 1 trường trung học phổ thông (1.675 học sinh). Đến nay, hầu hết các nhà trường đã sẵn sàng cho năm học mới.

Với 46 trường bán trú trên địa bàn, các nhà trường đang tập trung lo nơi ăn, ở cho các em học sinh khi chỉ ít ngày nữa các em sẽ đến nhập học. Đây chính là một trong những nội dung được ngành giáo dục và địa phương hết sức quan tâm.

Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn chuẩn bị nơi ăn ở cho học sinh.

Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn chuẩn bị nơi ăn ở cho học sinh.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho hay, đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho năm học mới.

“Khó khăn lớn mà chúng tôi đang gặp phải đó là thiếu giáo viên. Huyện Kỳ Sơn hiện có 1.901 giáo viên. So với nhu cầu, còn thiếu gần 200 giáo viên, chủ yếu là giáo viên bộ môn Ngoại ngữ và Tin học. Huyện đang có thêm 176 chỉ tiêu giáo viên. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng rất khó khăn, bởi các trường ở dưới xuôi và các địa phương khác cũng đang thông báo tuyển dụng”, ông Phúc chia sẻ.

Trường học được trang trí sinh động sẽ tạo cho trẻ mầm non niềm vui ngay khi mới đặt chân đến cổng trường.

Trường học được trang trí sinh động sẽ tạo cho trẻ mầm non niềm vui ngay khi mới đặt chân đến cổng trường.

Tại khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn vừa được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định: Học sinh toàn tỉnh sẽ kết thúc học kỳ I trước ngày 18/1/2025 và hoàn thành chương trình, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025.

Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2025. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2025.

Năm học này, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 26, 27/6/2025.

Tập huấn hướng dẫn dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 ở các huyện miền núi Nghệ An. (Ảnh: NGUYỄN TUYẾT)

Tập huấn hướng dẫn dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 ở các huyện miền núi Nghệ An. (Ảnh: NGUYỄN TUYẾT)

Liên quan đến định mức biên chế giáo viên, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: Đội ngũ giáo viên của giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được giao đến 2024 là 48.741 người. Trong đó, bậc mầm non có 14.154 người, tiểu học có 16.765 người, trung học cơ sở có 12.269 người, trung học phổ thông có 5.553 người. Tình trạng thiếu biên chế giáo viên đang diễn ra ở nhiều cấp học trong toàn tỉnh, dẫn đến khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí giáo viên và tổ chức dạy học.

“Tỉnh đang đề xuất Trung ương cho phép bổ sung thêm 7.015 biên chế giáo viên để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025. Cụ thể, cấp học mầm non là 1.688 người; tiểu học là 2.692 người; trung học cơ sở là 1.795 người và trung học phổ thông là 840 người”, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An thông tin.

TRẦN TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/san-sang-cho-nam-hoc-moi-o-huyen-vung-cao-nghe-an-post825737.html