Sẵn sàng đào tạo hệ dân sự tại một số nhà trường Quân đội
Ngày 30-11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng đề án Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo 'Đề án tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại một số cơ sở đào tạo trong Quân đội' (Đề án), dưới dự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Phó trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Bộ Quốc phòng.
Trình bày đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) nêu rõ, trong các kỳ đại hội gần đây, công tác giáo dục và đào tạo nói chung, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước nói riêng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, thể hiện qua nhiều quyết sách mang tầm chiến lược.
Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng về công tác giáo dục và đào tạo, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20-12-2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ vị trí, vai trò, chức năng của một số nhà trường Quân đội trong tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó khẳng định, việc một số cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của các địa phương và đất nước...
Đặc biệt là phát huy được tiềm năng, thế mạnh, nhất là vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tham gia giải quyết những vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ 4.0, y tế, xây dựng Đảng ở chính quyền cơ sở, phát triển văn hóa... Qua đó tiếp tục nâng vị thế, vai trò của các nhà trường Quân đội với xã hội cũng như hệ thống giáo dục quốc dân.
Thực tế cho thấy, từ năm 2001 đến nay, 18 cơ sở đào tạo trong Quân đội đã đào tạo được hàng chục nghìn học viên, sinh viên với hơn 90% được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở khám chữa bệnh... trong toàn quốc. Trong đó có nhiều học viên, sinh viên được tuyển dụng vào Quân đội. Không ít người trở thành giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhạc sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng...
Cùng với đó, hệ thống nhà trường Quân đội được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng toàn diện về mọi mặt, ngày càng chính quy, hiện đại. Chương trình đào tạo bài bản, đạt chuẩn theo quy định. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở đào tạo trong Quân đội có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật, giàu kinh nghiệm, phương pháp làm việc khoa học, tâm huyết, mẫu mực, trách nhiệm, hết lòng vì người học... Đó là điều kiện hết sức thuận lợi để các cơ sở đào tạo trong Quân đội tiếp tục tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các đại biểu cũng nhất trí lộ trình thực hiện Đề án vào quý II-2024 và tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo từ năm học 2024-2025.
Phát biểu kết luận hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh yêu cầu cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) sớm hoàn thiện Đề án, bảo đảm bố cục, nội dung, phạm vi, mục tiêu, lộ trình, giải pháp sát tình hình thực tế, có tính khả thi cao, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tin, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.