Sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại

Sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dự kiến ngày 4-5, học sinh (HS) TP Hồ Chí Minh đi học trở lại. Ðến thời điểm này, hầu hết các khâu chuẩn bị đón HS trở lại trường đều được các đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố triển khai một cách nghiêm túc.

Sẵn sàng đón HS đi học trở lại, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 nhiều lần tiến hành tiêu độc, khử trùng trường, lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Cùng với đó, trường chuẩn bị nước uống có vi-ta-min C để HS uống trong giờ giải lao, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, xà-phòng sát khuẩn, bố trí phòng cách ly, thiết bị bảo hộ y tế…

Ngoài ra, nhà trường chưa tổ chức cho căng-tin hoạt động, bởi theo Ban Giám hiệu nhà trường, đây cũng là một trong những nguồn có nguy cơ dễ phát sinh lây lan dịch bệnh. Với phương châm bảo đảm sức khỏe của HS là trên hết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Có 10 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Mỗi tiêu chí sẽ được đánh giá theo thang điểm 10, tính theo tỷ lệ phần trăm để xem xét các trường học có đạt yêu cầu tổ chức cho HS đi học trở lại hay không.

Nếu các cơ sở giáo dục đạt tiêu chí an toàn từ 90% đến 100% là mức độ an toàn rất cao, được tổ chức hoạt động dạy học; từ 70% đến dưới 90% là mức độ an toàn cao, được tổ chức hoạt động dạy học và phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế từ các tiêu chí thành phần thấp điểm; từ 50% đến dưới 70% là mức độ an toàn trung bình, có thể tổ chức hoạt động dạy học nhưng phải thường xuyên kiểm tra để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí thành phần thấp điểm; từ 30% đến dưới 50% là mức độ an toàn thấp, cần phải có giải pháp bảo đảm an toàn mới được tổ chức hoạt động dạy học. Không được tổ chức dạy học nếu các tiêu chí an toàn đạt dưới 30%, đây là mức độ an toàn rất thấp.

Theo đánh giá các trường học, một trong những quy định quan trọng của bộ tiêu chí là quy định về khoảng cách giữa các HS trong lớp học. Cụ thể, Bộ tiêu chí quy định, mật độ HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung trong phòng học, phòng làm việc từ 2 m2/người thì đạt được 10 điểm; dưới 2 m2/người phải có vách ngăn giữa các HS ngồi cạnh nhau (đạt 5 điểm); dưới 2 m2/người nhưng không có vách ngăn giữa các HS ngồi cạnh nhau thì không được điểm nào. Ngoài ra, bộ tiêu chí còn quy định về việc học sinh của trường thường xuyên rửa tay với xà-phòng hoặc nước sát khuẩn trước khi vào lớp; có dụng cụ uống nước sạch riêng biệt; giáo viên, HS đeo khẩu trang; kiểm tra nhiệt độ khi vào trường hoặc phòng sinh hoạt; tổ chức hoạt động ăn sáng, bán trú, căng-tin; phòng cách ly...

Ðể giữ đúng khoảng cách theo quy định, giải pháp mà nhiều trường chọn là chia một lớp học thành hai hoặc ba lớp. Khó khăn nhất là đối với các quận, huyện vùng ven thành phố như quận Gò Vấp, 12, huyện Nhà Bè, Hóc Môn… do áp lực việc tăng dân số cơ học, nhiều trường ở những địa phương này có sĩ số trung bình từ 40 đến 50 HS mỗi lớp. Ðối với việc trang bị khẩu trang cho HS, mới đây, tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp bất thường) HÐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 9, các đại biểu đã thông qua chính sách hỗ trợ khẩu trang cho HS, học viên các cơ sở giáo dục phổ thông với thời gian hỗ trợ ba tháng. Theo đó, mỗi HS được cấp chín khẩu trang trong ba tháng (mỗi tháng ba cái). Khẩu trang được cấp miễn phí là loại khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần.

Theo đồng chí Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố, ngày đầu tiên HS đi học trở lại, các đơn vị trường học không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế. Ðồng thời, tập huấn hướng dẫn cho HS các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của nhà trường để HS yên tâm đi học và bảo đảm an toàn khi đi học.

Ðồng thời, tổ chức thực hiện lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm bảo đảm việc giãn cách trước giờ học, giờ ra chơi và giờ tan trường. Nếu HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Nhà trường duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà-phòng, các vật dụng cần thiết khác sau mỗi ngày học. Tổ chức khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, cầu thang...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44303602-san-sang-don-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai.html