Sẵn sàng dùng kẻng báo động khi có tình huống sạt lở

Tại tỉnh Thanh Hóa hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cao sạt lở, lũ ống, lũ quét, đặc biệt là tại 11 huyện miền núi. Trong khi chưa thể thực hiện tái định cư cho người dân đến nơi ở mới thì khi có mưa lớn kéo dài như những ngày qua, chính quyền các cấp triển khai nhiều phương án, sẵn sàng đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo rà soát của phóng viên, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa nhiều vị trí xuất hiện nguy cơ sạt lở, tiềm ẩn guy cơ đối với người đi đường, khu dân cư. Đáng chú ý là tại khu vực chân dốc Sáp Ong trên tuyến Quốc lộ 15 A, thuộc địa phận xã Đồng Lương và Tân Phúc huyện Lang Chánh đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên đỉnh đồi Nhà lá chân dốc Sáp Ong, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại…

Hàng nghìn hộ dân khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa được xác định đang sinh sống trong vùng nguy cơ cao sạt lở.

Hàng nghìn hộ dân khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa được xác định đang sinh sống trong vùng nguy cơ cao sạt lở.

Tại xã Tâm Phúc, huyện miền núi Lang Chánh, phía trên quả đồi cao ở thôn Tân Lập đã bị “xé toạc” từng rãnh dài, đe dọa an nguy của gần chục hộ dân phía dưới. Điều đáng nói là vết nút xuất hiện từ 2 năm trước nhưng đến thời điểm này người dân vẫn phải sống trong vùng mất an toàn.

Bà Lê Thị Lê (người dân tộc Thái) ở thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, năm nay đã ngoài 80 tuổi, sinh sống dưới chân đồi lo lắng: "Về lâu về dài sợ lắm, nhất là trời mưa, mấy hộ ngay gần chân đồi càng sợ, sụt mấy gốc cây thôi cũng sợ".

Chỉ tính riêng tại huyện Lang Chánh, hiện có 500 điểm với 5 nghìn người bị ảnh hưởng, trong vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng chí Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: trước mắt huyện lên phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn cho người dân, thế nhưng về lâu dài để tái định cư được số hộ dân này chưa thể làm ngay được vì liên quan đến kinh phí đầu tư.

Ngay ngọn núi này mỗi khi mưa lớn nước ngầm rất lớn, nguy cơ sạt trượt núi rất cao.

Ngay ngọn núi này mỗi khi mưa lớn nước ngầm rất lớn, nguy cơ sạt trượt núi rất cao.

"Trong thời gian có mưa thì trực 24/24; giao các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phụ trách các địa bàn chỉ đạo, thấy các tình huống có thể xảy ra thì phải cảnh báo người dân và phải khẩn cấp di dời dân", ông Tiến nói.

Thanh Hóa hiện có hơn 6 nghìn hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và 2.211 hộ dân đang sống khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, chủ yếu tại 11 huyện miền núi như, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh… Tại huyện biên giới Mường Lát, nơi nào cũng có nguy cơ sạt lở.

Ông Trịnh Văn Thế, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, khó khăn nhất đối với Mường Lát là dù đã xác định được khu/điểm có nguy cơ sạt lở, nhưng nhiều năm nay việc tái định cư đến nơi ở mới cho người dân rất khó khăn. Vì vậy việc đảm bảo an toàn cho người dân tại chỗ vẫn là phương án được tập trung chỉ đạo.

Vị trí sạt trượt núi tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh.

Vị trí sạt trượt núi tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh.

"Đã thành lập 2 đoàn đi kiểm tra từng địa bàn, bản, để có phương án chuẩn bị, rất nhiều phương án. Những ngày mưa thế này thì huyện phân công xã, xã xuống bản kiểm tra, giao cho trưởng bản nếu có nguy cơ thì gõ kẻng, dùng phương tiện thông tin, đối với một số bản chưa bố trí tái định cư được thì bố trí nhà văn hóa, trường học sẵn sàng để người dân chuyển ra nếu mưa kéo dài", ông Thế cho hay.

Mưa lớn kéo dài những ngày qua tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, đặc biệt đối với khu vực các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù chính quyền địa phương, ngành chức năng lên phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng đó chỉ là phương án trước mắt.

Thanh Hóa cần có những quyết sách mang tính bền vững, lâu dài, đặc biệt là tiếp tục thực hiện các dự án tái định cư một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người dân khu vực nguy cơ cao sạt lở.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/san-sang-dung-keng-bao-dong-khi-co-tinh-huong-sat-lo-post1108211.vov