Sẵn sàng hạ tầng, băn khoăn chất lượng
Trước động thái 'phục hồi' xăng sinh học của Bộ Công Thương, dư luận không khỏi nghi ngại về hiệu quả mà mặt hàng này mang lại cho thị trường và người tiêu dùng. Do vậy, cùng với chú trọng hạ tầng và chất lượng, Chính phủ cần sớm ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sử dụng mặt hàng xăng sinh học E10.
Sẵn sàng hạ tầng, băn khoăn chất lượng
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của bộ, đặc biệt là Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công tham mưu để ban hành lộ trình sử dụng xăng E10 theo dự kiến là từ ngày 1/1/2026.

Khách hàng mua xăng trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Hải Linh
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg (Quyết định 53) của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, từ ngày 1/12/2015, tiêu thụ xăng E5 trên toàn quốc. Từ ngày 1/12/2016, xăng E10 sẽ được sử dụng tại 7 tỉnh, TP và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/12/2017. Nếu theo lộ trình, việc triển khai xăng E10 (xăng sinh học, bao gồm 10% ethanol và 90% xăng thông thường, không chì), đến thời điểm này là chậm so với kế hoạch gần 10 năm. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước khẩn trương trình Tờ trình với Chính phủ để thông qua báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định 53, từ đó có cơ sở đề xuất lộ trình mới.
Trước chỉ đạo mới của Bộ Công Thương, nhiều DN bày tỏ sự ủng hộ cao đối với việc tổ chức kinh doanh nhiên liệu sinh học. Là đơn vị kinh doanh xăng dầu chiếm khoảng 50% thị phần nội địa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho biết, dự kiến ngày 1/8, Petrolimex sẽ thử nghiệm kinh doanh xăng E10 tại thị trường TP Hồ Chí Minh để đánh giá tác động về kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương sớm chỉ đạo cụ thể về tiến độ triển khai để các thương nhân đầu mối chủ động đầu tư về hạ tầng, công nghệ, bồn chứa chuyên dụng cho E10 và chuyển đổi hệ thống kỹ thuật.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Việt Thắng, đối với nhiên liệu sinh học, hệ thống phối trộn của BSR bảo đảm đủ nguồn cung xăng E5; còn nguồn E10 đang tiến hành cải tạo các bể chứa để phối trộn. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết sẽ khởi động lại Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất ở Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) để góp phần bảo đảm nguồn cung.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Trịnh Quang Khanh cho hay, thời điểm đầu năm 2026 sử dụng xăng E10 là phù hợp để DN có thời gian chuẩn bị, bố trí bồn chứa, bể bơm ở các cửa hàng. Hiệp hội đề xuất xóa hoàn toàn xăng E5 và xăng khoáng RON95 tiêu chuẩn khí thải mức 3. Theo đó, chỉ duy trì xăng E10 và 1 mặt hàng xăng khoáng duy nhất là RON95 đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5, tương đương với tiêu chuẩn Euro 5. Cũng theo đánh giá của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc triển khai sử dụng xăng E10 có ý nghĩa rất lớn tới môi trường nhưng cần có chính sách khuyến khích người tiêu dùng mua xăng E10 nhiều hơn. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị giảm thuế để giá xăng E10 rẻ hơn xăng khoáng trên 1.500 đồng/lít.
Đối với nguồn cung nhiên liệu sinh học, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) Trần Minh cho biết, hiện cả nước có 6 nhà máy sản xuất cồn, trong đó có 2 nhà máy đang hoạt động (Đồng Nai và Quảng Nam), sản xuất khoảng 100.000m3. Nếu cả 6 nhà máy đi vào hoạt động, lượng sản xuất sẽ là 500.000m3. Để bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu sử dụng khi lộ trình sử dụng nhiên liệu được ban hành, nguồn cung nhiên liệu sinh học sẽ cần 1 - 1,5 triệu mét khối. Lượng cồn thiếu hụt sẽ được nhập từ nước ngoài, với các nguồn rất dồi dào đến từ Mỹ, Argentina…
Giảm thuế, phí để kích thích tiêu dùng
Nhắc lại bài học nhãn tiền của xăng E5, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo lý giải, việc suy giảm sản lượng xăng E5 không phải là do người tiêu dùng thiếu tin tưởng về chất lượng và quay lưng v
Việc tăng cường sử dụng xăng sinh học là cần thiết và cấp bách trong xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch và thực hiện cam kết giảm phát thải của Việt Nam. Ban hành lộ trình phối trộn và sử dụng xăng sinh học mới sẽ là động lực quan trọng để phát triển ngành nhiên liệu sinh học, thúc đẩy tiêu dùng xanh, bảo đảm an ninh năng lượng. Ngoài ra, việc tăng sử dụng nhiên liệu sinh học còn giúp cân bằng cán cân thương mại với một số đối tác quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
ới xăng sinh học E5 mà nguyên nhân chủ yếu là do mặt hàng để phối trộn với nguyên liệu sinh học là xăng RON92 có mức chất lượng thấp. Trong khi đó khách hàng luôn có xu hướng sử dụng xăng dầu với chất lượng cao hơn, dẫn đến sản lượng tiêu thụ xăng E5 suy giảm. Hiện nay, các nước trên thế giới và khu vực đang hướng tới lộ trình sử dụng E15, E20. Trong khi đó, hạ tầng trong nước đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để thực hiện việc phối trộn và cung cấp nhiên liệu E10. Vì vậy, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng sớm triển khai lộ trình cụ thể về việc phối trộn E10 cho xăng RON92 và RON95.
Từ thực tế kinh doanh ế ẩm của xăng E5, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (tỉnh Lâm Đồng) Nguyễn Xuân Thắng đề xuất, Nhà nước phải có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN, cửa hàng đặt thêm bồn, gắn thêm trụ để bảo đảm cho việc kinh doanh E10. Đồng thời, dùng công cụ thuế, phí tạo độ chênh giữa mặt hàng xăng sinh học với xăng khoáng để tránh tình trạng khi triển khai, các cửa hàng thực hiện nhưng chỉ mang tính đối phó và một thời gian mặt hàng này lại chết yểu như E5.
Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính khiến người dân không chuộng sử dụng xăng sinh học là do thiếu thông tin và nhận thức về lợi ích của loại nhiên liệu này. Nhiều người dân chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về xăng sinh học cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về cách sử dụng xăng sinh học cũng là một rào cản. Nhiều người e ngại rằng việc sử dụng xăng sinh học có thể gây hại cho động cơ xe của họ, mặc dù các nghiên cứu đã chứng minh rằng xăng sinh học an toàn và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất động cơ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, muốn khuyến khích người dùng xăng E10 trong tương lai, chính sách về giá cả là cực kỳ quan trọng. Bởi, trong bối cảnh người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” hơn cho các chi phí thiết yếu hàng ngày, giá cả hấp dẫn sẽ là yếu tố then chốt cho chính sách mới thành công. Vì vậy, Nhà nước cần dùng công cụ thuế, phí để khi bắt đầu lộ trình, mặt hàng xăng sinh học rẻ hơn so với xăng khoáng sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng ngay.
Nhiều chuyên gia chung quan điểm, cần có nhóm giải pháp hỗ trợ đồng bộ để ổn định nguồn cung và giảm giá thành xăng E10, như: hỗ trợ giá ethanol nội địa; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xăng E10… Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý, DN và tổ chức xã hội. Lộ trình triển khai E10 toàn quốc dự kiến từ ngày 1/1/2026 đang đặt ra yêu cầu cấp bách về điều chỉnh chính sách, hỗ trợ sản xuất ethanol trong nước, nâng cấp hệ thống lưu trữ, kỹ thuật phối trộn, phân phối, đồng thời truyền thông rõ ràng để thay đổi tâm lý tiêu dùng. Nếu được triển khai nghiêm túc và bài bản, xăng sinh học sẽ không chỉ là một lựa chọn, mà sẽ trở thành chuẩn mực trong phát triển năng lượng xanh bền vững của Việt Nam.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/san-sang-ha-tang-ban-khoan-chat-luong.754992.html