Sẵn sàng khai mạc Ngày hội VH,TT-DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII
Sau thời gian chuẩn bị, tối nay 6/11, vào lúc 20h, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ khai mạc 'Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ V.
Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây cũng là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch, tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Ngày hội thu hút sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer của 12 tỉnh, thành phố tham gia, gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, TP Cần Thơ và TP.HCM.
Điểm nhấn của lễ khai mạc sẽ có các hoạt động công bố Logo Du lịch Sóc Trăng và công bố kỷ lục Việt Nam về Lễ hội Oóc Om Bóc và Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe Ngo và vận động viên đống nhất, để đánh dấu bước ngoặt phát triển vượt bậc của môn thể thao này tại Sóc Trăng.
Hiện nay, qua ghi nhận, người dân từ các phum sóc đã tề tụ về trung tâm thành phố Sóc Trăng ngày càng đông. Lực lượng cán bộ công an nhân dân đã có mặt tại các khu vực để đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn cho người dân đến chung vui với Ngày hội.
Còn tại Quảng trường Bạch Đằng, nơi diễn ra lễ Khai mạc Ngày hội là một sân khấu lớn được thiết kế 3 tầng rất quy mô, hoành tráng. Phía trước là sàn diễn của các nghệ nhân biểu diễn nhạc ngũ âm. Phông chính của sân khấu là mô hình cổng tam quan của một kiến trúc chùa tháp tiêu biểu của đồng bào khmer Nam bộ, phía trước cổng là mô hình 2 thần rắn Naga cùng các cụm cây xanh được phối hợp hài hòa thể hiện khung cảnh tả thật về không gian chùa tháp.
Ngoài ra còn có mô hình nhà sàn, Nhà bảo tàng văn hóa Khmer Nam bộ… thể hiện ý nghĩa xưa và nay, bảo tồn và phát huy. Với diện tích đủ rộng để đảm bảo cho lực lượng biểu diễn chuyên nghiệp từ các đoàn Nghệ thuật của các tỉnh, thành phố tham gia.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Sự kiện mang nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa trên địa bàn của tỉnh. Chúng tôi hy vọng rằng, Ngày hội và Lễ hội lần này, vừa đem lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, vừa là điều kiện để các nhà đầu tư tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của Sóc Trăng về du lịch. Từ đó, trong tinh thần cùng phát triển thì tìm về Sóc Trăng cùng Sóc Trăng khai thác và phát triển"./.