Sẵn sàng kích hoạt điều kiện chuẩn bị cho trẻ mầm non đi học trở lại
Sau khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiến hành lấy ý kiến phụ huynh bậc học mầm non để bảo đảm đồng thuận, nhất trí về chủ trương, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình đưa trẻ mầm non trở lại trường lớp.
Phụ huynh trẻ mầm non nóng lòng
Sau khi thông tin học sinh tiểu học và lớp 6 tại Hà Nội được chính thức quay trở lại học trực tiếp từ ngày 6/4, nhiều phụ huynh có con đang ở độ tuổi mầm non đã tỏ ra hết sức nóng lòng. Bởi so với các anh, chị, lứa mầm non đã phải ở nhà mà không được dạy, học dưới bất cứ hình thức nào trong gần 2 năm.
Từ hơn 1 năm qua, gia đình anh Trần Đăng Giang (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đã buộc phải gửi cậu con trai 5 tuổi về quê ngoại tại Phú Thọ để cháu có thể theo học lớp mầm non tại đây.
“Ban đầu, khi các trường mầm non đóng cửa, vợ chồng tôi còn cố đợi. Thế nhưng do diễn biến dịch khi đó quá phức tạp, trong khi không thể để cháu nghỉ quá lâu, chúng tôi đã quyết định phải gửi con về cho ông bà ngoại” - anh Giang cho hay.
Ngay khi biết thông tin học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đã được tới trường trực tiếp, anh đã lên kế hoạch đón con về Hà Nội để sẵn sàng cho “giai đoạn bình thường mới”. Theo anh Giang, hiện Hà Nội đã qua thời kỳ đỉnh dịch, cuộc sống dần trở lại bình thường nên đã tới lúc tính đến chuyện mở cửa lại toàn bộ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và đại học.
“Ở nhà quá lâu, các con không được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô sẽ rất thiệt thòi. Về lâu dài ảnh hưởng tới tâm sinh lý”, ông bố 36 tuổi phân tích.
Cũng trong tâm trạng chờ đợi, từ hai ngày qua, chị Đỗ Thị Thu Hà (Long Biên, Hà Nội) liên tục theo dõi các hội nhóm dành cho phụ huynh trẻ mầm non. Mặc dù đã thuê cô trông trẻ về dạy, nhưng theo chị Hà “không gì tốt bằng việc cho con tới lớp”.
“Thời gian vừa qua, thông tin về các vụ trẻ em, học sinh trầm cảm với những hậu quả đau lòng khiến tôi càng muốn trường mầm non mở cửa hơn. Quay trở lại lớp, các con sẽ được cân bằng về cảm xúc, sức khỏe tinh thần. Điều này hết sức quan trọng, đặc biệt trong lứa tuổi hình thành tính cách của trẻ”, chị Hà nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, chị Hà cũng đồng tình với quan điểm: Hiện Hà Nội đã qua đỉnh dịch. “Tinh thần chung là cần phải thích ứng, chung sống với dịch. Thực tế, nhiều gia đình không có điều kiện vẫn phải ‘gửi chui’ con ở các cơ sở trông trẻ tự phát. Thay vì đó, tôi nghĩ nên mạnh dạn mở cửa trường trên cơ sở đồng thuận từ phụ huynh, song song với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch”, chị Hà tiếp tục.
Không chỉ các bậc phụ huynh, đại diện nhiều cơ sở mầm non cũng mong mỏi được đón các bé quay trở lại trường.
Chị L.P - chủ trường mầm non tư thục T.L cho hay: Nhu cầu gửi trẻ vào các đơn vị uy tín để quay lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của các bậc phụ huynh là một nhu cầu chính đáng và thực tế.
“Nếu có cấp học nào đó nhất định phải đi học thì đó là cấp học mầm non. Trẻ em có độ tuổi vàng cho sự phát triển, trẻ em cũng không thể ngồi máy tính để học trực tuyến và trẻ cần học tập thông qua trải nghiệm và hấp thu kiến thức kỹ năng qua giao tiếp xã hội. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước về tác hại của việc trẻ phải ở nhà mùa dịch”, chị P. chia sẻ.
Theo chị P., các trường mầm non dưới sự quản lý giám sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện có điều kiện tốt hơn các nhóm trẻ tự phát trong việc áp dụng các quy trình bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Cụ thể, một trường mầm non để được thành lập ra cần phải đạt được những điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ bao gồm: Khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho giáo viên nhân viên, điều kiện vệ sinh khử khuẩn phòng ốc trang thiết bị học tập, điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn, điều kiện trang bị phòng y tế.
“Ngoài ra, nhà trường với quy mô lớp nhỏ hoàn toàn có điều kiện để kết nối hai chiều với phụ huynh học sinh để liên tục khảo sát nắm được lịch trình đi lại, tiểu sử ốm bệnh của gia đình học sinh. Quản lý tốt các trường mầm non đặc biệt là các yếu tố đầu vào có thể biến nhà trường thành một vùng xanh an toàn trước dịch bệnh cho học sinh”, đại diện trường T.L phân tích.
Chị H.T.H - đại diện một cơ sở mầm non tại quận Hà Đông cũng cho rằng: Trong điều kiện bình thường mới khi mà chủ trương của Chính phủ mở cửa toàn bộ nền kinh tế, giáo dục mầm non là bậc học cần được xem xét ưu tiên để tạo điều kiện cha mẹ đi làm.
“Chúng tôi xin kiến nghị mở cửa hệ thống mầm non tư thục dựa trên sự đồng thuận của phụ huynh”, chị H. nêu quan điểm.
Sẽ tiếp tục lấy ý kiến phụ huynh trẻ mầm non
Đánh giá trên tư cách chuyên gia trong lĩnh vực y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm.
“Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học”, ông Phu nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Phu cho rằng, vừa qua, trẻ em ở nhà trở thành F0 rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.
“Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro, còn kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường là trẻ bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với trẻ đó, lớp học có trẻ bị F0.
Mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Chúng ta nới lỏng chứ không buông lỏng. Hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vaccine và không tiêm vaccine thì nhiều quốc gia đã hối thúc đi học. Theo đó, khi cho đối tượng này đi học, nhiều quốc gia đã kiểm soát bằng các biện pháp như: Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm...”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến về việc triển khai công tác cho học sinh tiểu học, lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp diễn ra sáng, 5/4, vấn đề đưa trẻ mầm non đi học trở lại cũng là nội dung được đặc biệt quan tâm.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho rằng, trong khối mầm non, trẻ 5 tuổi cần sớm được đến trường nhất để bảo đảm những kỹ năng, hành trang cần thiết trước khi vào lớp 1. Vì vậy, ông Oanh kiến nghị có thể cho trẻ 5 tuổi được đến trường học trực tiếp ngay sau đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ông Cấn Văn Đa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cũng cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bà chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong phụ huynh.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: Việc trẻ mầm non phải nghỉ học quá lâu là “thiệt thòi”. Các phụ huynh cũng vất vả khi phải sắp xếp thời gian, tìm người trông giữ con khi bản thân vẫn phải đi làm. Vì thế, khi Thủ đô thực hiện "bình thường mới", các cấp học trên đi học trở lại thì nhu cầu cho con tới trường của phụ huynh càng bức thiết hơn.
Trước ý kiến của một số Phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất sớm cho trẻ mầm non trở lại trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Sau khi học sinh khối tiểu học, lớp 6 đi học thông suốt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiến hành lấy ý kiến cha mẹ học sinh bậc mầm non để bảo đảm đồng thuận, nhất trí về chủ trương”.
Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng của phụ huynh và kết quả triển khai việc dạy học trực tiếp với học sinh của các khối lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tính toán phương án để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường.
Ông Cương cũng “đề nghị hệ thống mầm non quận, huyện, thị xã cũng sẵn sàng kích hoạt điều kiện, quy trình để chuẩn bị cho trẻ mầm non đi học trở lại trong thời gian tới”.