Sẵn sàng kiểm tra đột xuất doanh nghiệp có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, lực lượng Quản lý thị trường đã có các phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm tra đột xuất các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều câu hỏi “nóng” của các đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương xoay quanh vấn đề thiếu hụt xăng dầu trong nước, khan hiếm nguồn cung ứng xăng dầu…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đặt câu hỏi: Có tình trạng găm hàng xăng dầu, chờ tăng giá, vậy giải pháp của Bộ Công Thương trong việc điều hành mặt hàng này để hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân đối với mặt hàng xăng dầu như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trong những ngày qua giá xăng dầu tăng cao do đứt gãy nguồn cung ứng. Trên thị trường thế giới, từ đầu năm đến nay, tình hình chính trị phức tạp và có nhiều bất ổn, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, đây là 2 nước cung cấp dầu, khí đốt lớn của thế giới; do đó, đã ảnh hưởng đến nguồn cung, khiến giá xăng dầu tăng. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước cũng bị ảnh hưởng trong việc tiếp cận nguồn cung từ nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan, bám sát diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều hành phù hợp, nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Trong đó, một số biện pháp như mở hạn mức tín dụng, thủ tục hải quan...

Về sản xuất trong nước, hiện có 2 Nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm.

Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước. Ngoài ra, còn có một số Nhà máy chế biến condensate (sản xuất xăng và dung môi). Năm 2021, sản lượng sản xuất của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt khoảng 7,19 triệu m3; sản lượng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt khoảng 6,69 triệu m3.

Về nhập khẩu, hiện nay cả nước có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có chức năng nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 3 doanh nghiệp chỉ chuyên kinh doanh nhiên liệu hàng không).

Năm 2021, cả nước nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 xăng dầu các loại. Dự kiến năm 2022, nhu cầu nhập khẩu xăng dầu các loại khoảng 7,4 triệu m3. Lũy kế 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu các loại.

Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2021 khoảng 20,5 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,27 triệu m3 (chiếm khoảng 70% nhu cầu), nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 (chiếm 30% nhu cầu). Theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, trong những ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao, tiến hành công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương. Trong đó có các phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc bán nhỏ giọt đã xác định nguyên nhân, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

Các cửa hàng ngừng kinh doanh thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân như: do nhu cầu tăng cùng một thời điểm nên hệ thống xe chuyên chở của các thương nhân cấp hàng không kịp phục vụ; nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 - chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh...; một số cửa hàng ngừng bán trái phép (đã bị xử lý theo quy định).

“Ngày 15/2/2022, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời trước Quốc hội.

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-sang-kiem-tra-dot-xuat-doanh-nghiep-co-dau-hieu-gam-hang-tao-khan-hiem-nguon-cung-xang-dau-post185733.html