Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đảm bảo phòng chống Covid-19
Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng việc mua sắm hàng hóa của người dân vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng tích trữ và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.
Nhiều địa phương đã xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống.
Hiện nay, các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống siêu thị hay chợ dân sinh khá dồi dào, không có hiện tượng người dân mua gom hàng hóa để tích trữ. Các siêu thị đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa 30-50%.
Đại diện hệ thống siêu thị GO!, Big C cho biết, hệ thống đã chuẩn bị lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng gấp đôi. Đặc biệt, mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay luôn có đủ lượng hàng dự phòng, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Tương tự, ghi nhận tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, VinMart, siêu thị Aeon… hàng hóa chất đầy các quầy kệ, với nhiều chương trình giảm giá. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, Hệ thống Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa. Đồng thời, Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa thông suốt để bảo đảm luôn đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu với giá tốt cho người tiêu dùng.
"Saigon Co.op đã làm việc với các nhà cung ứng để giao hàng cho chúng tôi dự trữ lượng hàng và chúng tôi luôn có đầy đủ hàng hóa để phục vụ cho người tiêu dùng" - đại diện Saigon Co.op cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã làm việc với các chợ, siêu thị trên địa bàn về công tác bảo đảm hàng hóa. Hiện các đơn vị đã cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch bệnh.
Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã thành lập đoàn kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để nắm bắt tình hình diễn biến thị trường và chỉ đạo các thương nhân kinh doanh thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch cũng như công tác bình ổn thị trường.
Còn tại TP HCM, tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động. Một số trung tâm thương mại lớn có lượng khách đến mua giảm hơn so với bình thường. Sở Công Thương TP HCM đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai các hoạt động nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu bảo đảm đầy đủ, liên tục, thông suốt các mặt hàng xăng, dầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn…
Tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra tình hình cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Hiện 17 mặt hàng với tổng trị giá 194.000 tỷ đồng đã được Hà Nội chuẩn bị để đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, phục vụ người dân theo các kịch bản phòng dịch cao nhất. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, thành phố Hà Nội cũng đề nghị người dân không nên dự trữ hàng hóa, cũng như tăng cường hình thức mua sắm trực tuyến để tránh tập trung đông người.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết: "Sở Công Thương chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp là chủ động tăng lượng dự trữ giúp cho người dân có đủ lượng hàng để mua sắm và tăng cường hình thức bán hàng qua thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu của người dân và cũng để giảm tải lượng khác trực tiếp đến các siêu thị...".
Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương, về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa./.